Huyện Cam Lâm loạn dự án “ma”
Huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) không chỉ được biết đến là thủ phủ resort khi có tới 40 dự án du lịch nghỉ dưỡng và các khu đô thị lớn tại Khu du lịch Bãi Dài mà còn được mệnh danh là thủ phủ phân lô bán nền với vô số dự án "ma". Thị trường bất động đất nền tại đây khá sôi động trên các trang mạng xã hội, trang mạng chuyên về mua bán bất động sản.
Những dự án với những cái tên rất hoành tráng như: Golden Lake, Cam Lâm Central Park, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm NewTown, Cam Lâm Golden Hill, Suối Cát Riverside, Ario Gold Cam Hiệp Nam… kèm theo những lời quảng cáo rất hấp dẫn như sở hữu địa thế đất có một không hai, tọa sơn hướng thủy mang lại nhiều tài lộc cho chủ nhân dễ thu hút nhiều người tìm mua.
Các dự án nghỉ dưỡng gần đó bỗng nhiên được gắn thêm Casino, bến du thuyền để kêu gọi người mua. Khi nghe tên dự án, giá mềm, lại gần sân bay quốc tế và khu vực bắc bán đảo Cam Ranh, nhiều người dễ mắc bẫy lừa phỉnh.
Song, tất cả các dự án nêu trên đều dự án "ma", được quảng cáo "một tất đến trời". Bởi, hầu hết đất được rao bán trên mạng là những khu đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản ven đầm Thủy Triều được san lấp, phân lô.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch huyện Cam Lâm cho biết, trên địa bàn không có các dự án có tên Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Central Park,… và không có dự án đất nền nào được cấp phép trong thời gian gần đây.
"Hiện Kiểm toán Nhà nước, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với địa phương về vấn đề phân lô bán nền và UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở ngành và địa phương xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức nên địa phương chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm trên. Từ tháng 6/2021, UBND huyện đã tạm dừng việc “hiến đất” làm đường", ông Bảo cho hay.
Ông Ngô Văn Bảo khẳng định, phía bờ tây đầm Thủy Triều hiện không có các dự án nhà ở, các thông tin trên mạng do môi giới vẽ lên để thu hút người mua. Với tình trạng sốt đất như hiện nay, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước, tránh “lướt sóng” dẫn đến thiệt hại cho cá nhân và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Theo ông Ngô Văn Bảo, huyện Cam Lâm đang cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, người mua sẽ chịu nhiều rủi ro khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án: “Khi lướt sóng thì hậu quả, người mua sau cùng sẽ thiệt thòi. Tiền các anh vay đến khi Nhà nước thu hồi để thực hiện các công trình, thực hiện các nhiệm vụ khác người đó sẽ bị thiệt thòi. Đặc biệt, đối với những dự án Nhà nước thu hồi đất để giao mặt bằng thì giá cũng theo quy định. Thông thường những giá đất do Nhà nước quy định cũng không thể cao hơn giá trôi nổi trên thị trường được”.
Còn ông Huỳnh Quốc Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm khẳng định với báo chí rằng, trên địa bàn huyện không có dự án phân lô, bán nền nào có tên như các sàn giao dịch BĐS rao bán gần đây. Ví dụ “Casino của Tập đoàn Hưng Thịnh” là do môi giới tự nghĩ ra. Thời gian qua, lãnh đạo huyện có nắm được thông tin một số sàn BĐS mạo danh dự án để rao bán đất nền trên các trang mạng xã hội. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ, khi mua đất cần liên hệ cơ quan chức năng kiểm tra để bảo đảm an toàn.
Doanh nghiệp hưởng lợi, trốn thuế…
Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp “cấu kết” với người dân (chủ đất) vẽ ra chiêu hiến đất làm đường, tách thửa. Chính sự buông lỏng quản lý của địa phương, hàng trăm sổ đỏ được cấp phép nhanh chóng. Trách nhiệm của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm, chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai tại huyện Cam Lâm ở đâu khi liên tục cấp phép cho người dân tách thửa, phân lô.
Điển hình, tại thửa đất số 82, tờ bản đồ số 29 có diện tích 2720,5m2; thửa đất số 253, tờ bản đồ 29 có diện tích 1654,8m2 được các cá nhân này “phù phép” thành 33 lô nền. Các chủ đất này uỷ quyền cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Năm Châu (quận Hoàng Mai, Hà Nội, ông Nguyễn Đoàn Việt làm Tổng Giám đốc) “chạy” thủ tục với cơ quan chức năng để “vẽ” ra 33 lô nền. Tập đoàn Năm Châu lại giao Công ty Cổ phần Imperland bán sản phẩm.
Hay khu phân lô bán nền của hộ bà Trần Thị Phương Hà (tại thửa 271, tờ bản đồ 22, xã Cam Hải Tây) dọc Quốc lộ 1A, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm. Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất thổ cư, chủ lô đất đã phân ra thành 74 lô để tổ chức phân lô bán nền.
Đáng nói hơn, chủ lô đất này đã ngang nhiên tự đấu nối trực tiếp con đường từ lô đất ra Quốc lộ 1A để tổ chức bán đất phân lô, bất chấp mọi quy định pháp luật. Thông thường, việc đấu nối đường ra Quốc lộ phải được sự cho phép bằng văn bản của Cục Quản lý đường bộ (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải).
Còn nhóm chủ đất có tên Lương Công Danh, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Lê tại thửa 772, 774, 779… Các thửa đất này sau nhiều lần “phù phép” đã được chia thành 64 lô và được các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội như Mai Việt Land (219 Trung Kính), Cen Housing chào bán.
Còn tại Cam Hiệp Nam, dự án ma mang tên “Khu dân cư đất nền Ario Gold Cam Hiệp Nam” cũng vừa ra đời với 78 lô được Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Hưng Thịnh Holdings (Hà Nội) đang chào bán rộng rãi cho khách hàng.
Tại Cam Thành Bắc cũng xuất hiện dự án ma mang tên Suối Cát Riverside với 17 lô nền. Hay Cam Lâm Golden Hill do Meha Group cũng phù phép phân lô bán nền thành dự án “ma” để lừa khách hàng.
Và trong các bài viết trước "Khánh Hoà: Cam Lâm vẫn nóng tình trạng phân lô bán nền, có dấu hiệu trốn thuế"; "Nghi vấn trốn thuế trong giao dịch bất động sản ở Cam Lâm: Cục Thuế Khánh Hoà cần vào cuộc", Tài chính Doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng trốn thuế trong giao dịch bất động sản tại Cam Lâm. Các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để gia tăng lợi nhuận khi tiền khách hàng đóng để mua đất đều vào tài khoản cá nhân (đáng lẽ phải vào tài khoản doanh nghiệp).
Liên quan đến hành vi này, Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: “Theo quy định của Luật thuế việc công ty giao dịch, mua bán đều phải chuyển qua tài khoản công ty và phải xuất hoá đơn cho khách hàng. Như vậy, thuế ở đây bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Một công ty khi giao dịch bán, chuyển nhượng bất động sản nhưng lại yêu cầu khách chuyển tiền nhận chuyển nhượng vào tài khoản cá nhân. Điều này có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Cơ quan chức năng cần xác minh, sao kê làm rõ dòng tiền, số tài khoản, giao dịch, hợp đồng… nếu có dấu hiệu tội phạm thì cần khởi tố vụ án theo quy định”.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng hiện nay, nhiều khu phân lô, bán nền ở huyện Cam Lâm đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên và an sinh xã hội. Việc phân lô, bán nền chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn về kinh tế trước mắt. Về lâu dài, sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên. Đối với những dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc tiếp cận với quỹ đất bởi tình trạng “da beo”, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
"Bài học sốt đất ảo diễn ra vào đầu năm 2021 tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu xuất phát bởi sự thổi phồng của giới cò đất từ việc một tập đoàn lớn nghiên cứu đầu tư tại địa phương. Người mua hầu hết "mắc cạn" trong khi dự án thì vẫn còn chờ nghiên cứu thêm. Trong khi đó, dòng tiền đã chạy vào túi nhóm đầu cơ và nhóm này đã mang tiền đi nơi khác hoạt động", ông Hoàng cho hay.