Hà Nội hủy 82 dự án BT, hàng loạt dự án của các 'ông lớn' bất động sản như T&T, Geleximco, Bitexco, Him Lam

Trong 82 dự án BT dừng triển khai có nhiều tuyến đường vành đai, cầu vượt sông Hồng của các 'đại gia' bất động sản như Geleximco, Him Lam, Eurowindow, T&T,...

UBND Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Trong đó có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), chưa ký hợp đồng là cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển 7,5 km và dự án cải tạo, nâng cấp QL6 Ba La - Xuân Mai 21,6 km.

11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện BCNCKT bao gồm đường 70, đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long - Hà Đông (4,77 km) do CTCP BĐS Thái An làm chủ đầu tư; dự án Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32 và nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long do CTCP Him Lam làm chủ đầu tư; đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn,...

Vành đai 2,5 sẽ mở theo quy hoạch qua quận Thanh Xuân. (Ảnh: Hạ Vũ).  
Vành đai 2,5 sẽ mở theo quy hoạch qua quận Thanh Xuân. (Ảnh: Hạ Vũ).  

69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 9 đoạn thành phần đường Vành đai 2,5; Vành đai 3; 3,5; 4 và 5. Đáng chú ý chủ đầu tư của các dự án này đều là các doanh nghiệp lớn ngành BĐS như Geleximco, Hatexco, HUD, Eurowindow Holding, T&T,...

6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống gồm cầu Trần Hưng Đạo (Him Lam làm chủ đầu tư); cầu Tứ Liên (Sungroup); Thượng Cát (Tập đoàn Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Xây dựng miền Trung); Giang Biên (CTCP Phát triển đô thị Việt Hưng); cầu Hồng Hà (CTCP Tập đoàn Hoành Sơn) và cầu Đuống 2 (CIENCO1 - Đức Bình - Cái Mép). 

Ngoài ra còn có tuyến trục Tây Thăng Long đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, Đan Phượng do CTCP Đầu tư và hợp tác quốc tế Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư Louis Land làm chủ đầu tư; tuyến đường chính nhóm Hạ tầng khung Nhật Tân - Nội Bài, đoạn dự án dọc theo QL3, đường 70 của Bitexco,...

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ 1/1, đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Năm 2021, UBND TP Hà Nội sẽ xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định.

Theo kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014 - 2018 được Kiểm toán Nhà nước công bố, hầu hết các dự án BT đều chỉ định nhà đầu tư và có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi thi công.

Có các dự án do nhà đầu tư đề xuất và không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định (Công viên hồ điều hòa Văn Miếu và Nhà máy nước mặt TP Bắc Ninh); không thực hiện xây dựng và công bố danh mục dự án (Đường kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước); lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền (Xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ).

Nhiều nơi xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác (dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên giảm dự toán 69,2 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 754,3 tỷ đồng; dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A giảm 251,4 tỷ đồng; dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, quận Long Biên giảm 26 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 59,8 tỷ đồng); dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu (Bắc Ninh) phê duyệt dự án sau khi triển khai thi công và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Kết quả kiểm toán 28 dự án BT kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn so với giá trị được kiểm toán.

 

Nhật Hạ

Doanhnghiepniemyet
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục