TP HCM: Tổ chức đấu giá gần 4.000 căn hộ tái định cư “ế” lần 2

Tháng 2/2018, Trung tâm tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư với giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng (làm tròn) nhưng không có đơn vị nào tham gia. Tới đây, TP HCM sẽ tiếp tục bán đấu giá gần 4.000 căn hộ này.

Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP (thuộc Sở TN-MT TP) đấu giá lần 2 quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với những căn hộ thuộc Chương trình xây dựng khu tái định cư 12.500 căn Thủ Thiêm thuộc khu chung cư R1, R2, R3, R4, R5 (3.790 căn hộ) tại phường Bình Khánh, quận 2. 

Trên cơ sở thẩm định giá theo giá thị trường vào thời điểm tháng 7/2018, Sở Tài chính đã báo cáo kiến nghị UBND TP xem xét, phê duyệt phương án giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất với tổng giá trị khoảng 9.936 tỷ đồng.

Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng 1 tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.

Trước đó, vào tháng 2/2018, Trung tâm tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư (trong đó 2.200 căn do Công ty Thuận Việt Xây dựng và 1.590 căn thuộc Công ty Đức Khải xây dựng) với giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng (làm tròn) nhưng khi đưa ra đấu giá không có đơn vị nào tham gia.

Vì sao chung cư tái định cư “ế ẩm”?

TP HCM: Tổ chức đấu giá gần 4.000 căn hộ tái định cư “ế” lần 2 - Ảnh 1
Khu chung cư tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) không có người ở sau 10 năm xây dựng.

Một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là tình trạng các tòa chung cư tái định cư bỏ hoang, không người ở đang diễn ra phổ biến tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM gây lãng phí lớn. Trong khi đó, nhu cầu về chỗ ở cho người dân vẫn là vấn đề bức thiết.

Nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM bị bỏ hoang vì người dân không về ở… Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý, dẫn đến việc lãng phí và gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình như: Khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 nhưng chỉ một số ít hộ dân về ở; 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở; ba tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên) sau 10 năm không có người ở….

Liên quan đến tình trạng “ế ẩm” của nhà tái định cư hiện nay, ông Trương thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chung cư tái định cư bỏ hoang, không có người ở.

Thứ nhất là chất lượng nhà chung cư có vấn đề. Những chung cư tái định cư thường là chất lượng rất kém, không đảm bảo nên người dân không tin tưởng, không muốn ở,… và thực tế hiện chung cư tái định cư bỏ trống rất nhiều.

Nguyên nhân thứ hai là vị trí không phù hợp. Nhiều chung cư tái định cư ở vị trí quá xa xôi, không thuận tiện cho sinh hoạt, không có giao thông, không có bệnh viện, không có trường học… Trong khi đó, những người tái định cư là những người khó khăn, người ta phải bám vào chợ, bám vào hàng quán để sinh sống, rất khó để chấp nhận thay đổi hoàn toàn về việc đi lại xa xôi, gây nhiều bất tiện, khó khăn trong cuộc sống…

Thứ ba là nhóm nguyên nhân thường xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là những bất cập trong công tác đền bù, tái định cư không thỏa đáng dẫn đến kiện cáo, tranh chấp về pháp lý…

TP HCM: Tổ chức đấu giá gần 4.000 căn hộ tái định cư “ế” lần 2 - Ảnh 2
Khu căn hộ tái định cư 12.500 căn Thủ Thiêm. Ảnh: SGGP

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Đức, đối với chung cư Tái định cư phải tính toán theo bài toán của thị trường. Cụ thể là phải tính toán hợp lý về chất lượng nhà chung cư, về là giá cả và về quyền lợi của người dân được đảm bảo. Vấn đề này cũng giống như câu chuyện giải tỏa thu hồi đất, nếu tính đúng giá, hợp lý thì người ta sẵn sàng chấp nhận không những để yên ổn làm ăn mà còn vì lợi ích chung của xã hội. Nhưng nếu chênh lệch quá, đền bù thiếu hụt quá, tính toán không hợp lý… thì người dân sẽ không chấp nhận, dẫn đến kiện cáo, tranh chấp và chung cư thì vẫn bỏ trống, không người ở.

Còn về giá chung cư tái định cư, theo ông đức, giá nhà có tình trạng cao hơn giá thị trường. Trường hợp này đáng lẽ phải ưu ái vì thuế, chính sách, đã được nhà nước hỗ trợ rồi thì phải thấp hơn giá thị trường rất nhiều, chưa nói đến trường hợp chất lượng thấp nữa. Nhưng cuối cùng có những chung cư lại tính giá cao hơn nên người dân phản ứng, không muốn ở, không dám ở chung cư này…

Thực tế dễ nhìn thấy nhất về chung cư tái định cư hiện nay là tình trạng nhanh xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng khiến người dân luôn thấp thỏm, bất an. Ngoài ra, thiết kế, kiến trúc các tòa nhà này cũng cũ kỹ, lỗi thời, thiếu tiện ích, thiếu đồng bộ…

Do đó, dù nhiều người dân khó khăn có nhu cầu về nhà ở, nhưng cứ nói đến nhà tái định cư là nhiều người lắc đầu ngán ngẩm, bởi nhiều người đã bị rơi vào cảnh “đem con, bỏ chợ” với hàng loạt chung cư tái định cư xuống cấp không được tu sửa, hay nếu có tu sửa thì cũng qua loa cho xong…

Thực tế này đã góp phần khiến người dân “quay lưng” với các chung cư tái định cư và tình trạng “ế ẩm” ngày càng gia tăng.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục