Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Xôn xao phương án hoán đổi trái phiếu sang nhà đất, cổ phiếu

Xôn xao phương án hoán đổi trái phiếu sang nhà đất, cổ phiếu; Thanh tra 10 dự án bất động sản tại Đồng Nai; Dừng điều chỉnh dự án KĐT sinh thái Tuần Châu Hà Nội… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.

Lâm Đồng đề xuất dừng hoạt động Dự án Hoa Sơn – Resor

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương ngừng hoạt động Dự án Khu du lịch sinh thái Hoa Sơn - Resort (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) do Công ty TNHH Vạn Thành theo quy định tại điểm đ Khoản 2, Điều 47, Luật Đầu tư 2020.

Lý do là Công ty TNHH Vạn Thành thực hiện không đúng nội dung Giấy chứng nhận đầu tư số Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000094 ngày 29/8/2007, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 7/12/2010, triển khai dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư, quản lý bảo vệ rừng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa khắc phục triệt để; thuộc trường hợp ngừng hoạt động dự án đầu tư theo quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 47, Luật Đầu tư 2020.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan này thực hiện thủ tục ngừng hoạt động Dự án Khu du lịch sinh thái Hoa Sơn - Resort do Công ty TNHH Vạn Thành theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn; tổng hợp kết quả khắc phục, căn cứ quy định và tình hình thực tế tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Lâm Đồng đề xuất dừng hoạt động Dự án Hoa Sơn – Resor
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Lâm Đồng đề xuất dừng hoạt động Dự án Hoa Sơn – Resor

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty TNHH Vạn Thành ngừng các hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác tại Dự án Khu du lịch sinh thái Hoa Sơn - Resort; thực hiện nghĩa vụ tài chính bồi thường tài nguyên rừng trong trường hợp các đối tượng vi phạm không chấp hành, hoàn thành trong tháng 11/2022; trồng lại rừng trên phần diện tích bị phá, hoàn thành trong tháng 12/2022.

Thanh tra 10 dự án bất động sản tại Đồng Nai

Bộ TN-MT mới ban hành Quyết định số 3145/QĐ-BTNMT về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Đồng Nai. Theo đó, từ nay đến cuối tháng 12, đoàn thanh tra của Bộ TN-MT sẽ thực hiện thanh tra đối với 10 tổ chức có dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, có 4 dự án tại các huyện là: Công ty CP Long Thành Riverside có dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH thương mại dịch vụ Quang Vinh có dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Công ty CP đầu tư LDG có dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Công ty CP đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An có dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành).

Có 6 dự án tại TP Biên Hòa là: Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái có dự án tại phường Tam Phước, Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát có dự án tại xã Long Hưng, Công ty CP Southern Golden Land có dự án tại xã Long Hưng, Công ty TNHH đầu tư địa ốc Thành Nhơn có dự án tại Phường Tam Phước, Công ty TNHH bất động sản Gia Đức có dự án tại phường Tam Phước và Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát có dự án tại phường Tam Phước.

Dừng điều chỉnh dự án KĐT sinh thái Tuần Châu Hà Nội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản gửi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội về việc dừng thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án đã có văn bản đề xuất cho điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô diện tích đất dự án xuống 198,64ha, đồng thời mở rộng mục tiêu, quy mô xây dựng nhà ở.

Sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, tháng 1/2022, Bộ KH-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội làm rõ một số nội dung về hồ sơ dự án. Tuy nhiên, Bộ chưa nhận được ý kiến của UBND TP Hà Nội và giải trình bổ sung hồ sơ dự án của chủ đầu tư.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Dừng điều chỉnh dự án KĐT sinh thái Tuần Châu Hà Nội
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Dừng điều chỉnh dự án KĐT sinh thái Tuần Châu Hà Nội

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội bất ngờ có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Xem xét thu hồi quyết định gia hạn sử dụng đất dự án 30 triệu USD của Benthanh Group

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản số 14644/UBND-VP về việc thu hồi, hủy bỏ quyết định cho phép Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV (Benthanh Group) gia hạn sử dụng đất 24 tháng dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Trước đó, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 2702/QĐ-UBND cho phép Benthanh Group gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm.

Mới đây, ngày 13/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Tờ trình số 7045/TTr-STNMT đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi, hủy bỏ quyết định nói trên.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa giao Sở TN&MT rà soát, bổ sung căn cứ quy định về thời điểm giãn tiến độ đầu tư và thời điểm tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm.

Đồng thời, Sở TN&MT phải xác định tính pháp lý của thời điểm gia hạn, thời điểm thu hồi đất để đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư và Luật Đất đai; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2022.

Được biết, Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm tọa lạc tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc do Benthanh Group làm chủ đầu tư. Dự án này quy mô hơn 166.000m2, với tổng số vốn đầu tư là 30 triệu USD. Dự án có nhiều loại hình sản phẩm như Biệt thự, khách sạn, bungalow, trung tâm hội nghị…

Dự án này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho Benthanh Group thuê đất vào tháng 12/2003. Đến năm 2011, chủ đầu tư mới tổ chức lễ động thổ. Qua nhiều năm kể từ khi nhận bàn giao đất thực địa, Benthanh Group vẫn không hoàn thiện dự án. Từ đề nghị của doanh nghiệp này, tháng 9/2018 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng.

Theo quyết định gia hạn, nếu hết thời hạn được gia hạn mà Benthanh Group vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất.

Xôn xao phương án hoán đổi trái phiếu sang nhà đất, cổ phiếu

Novaland vừa thực hiện phát hành 270.729 cổ phiếu với giá 85.000 đồng/cp để hoán đổi 5 trái phiếu thuộc sở hữu của Citigroup Global Markets Limited. Theo đó, 5 trái phiếu mệnh giá 200.000 USD, tương đương với hơn 23 tỷ đồng của Citigroup Global sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu với giá 85.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Xôn xao phương án hoán đổi trái phiếu sang nhà đất, cổ phiếu
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Xôn xao phương án hoán đổi trái phiếu sang nhà đất, cổ phiếu

Đây là số trái phiếu nằm trong gói trái phiếu chuyển đổi có tổng giá trị 300 triệu USD, sẽ đáo hạn ngày 16/7/2026. Trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có điều kiện chuyển đổi thành cổ phần của NovaLand.

Được biết, 5 trái phiếu kẻ trên nằm trong khoản huy động vốn bằng việc phát hành 1.500 trái phiếu chuyển đổi vào ngày 16/7/2021 của NovaLand cho các nhà đầu tư quốc tế do The Bank of New York Mellon và Credit Suisse thu xếp và làm đại lý phát hành.

Đây là một trong những phương án hoán đổi trái phiếu khi đến hạn thanh toán được một số doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây.

Trước đó, một doanh nghiệp cũng gây nhiều chú ý khi chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản. Cụ thể, theo thông báo của một doanh nghiệp bất động sản gửi tới khách hàng, có 2 phương án để đảm bảo an toàn cho trái chủ khi giao dịch với doanh nghiệp, gồm:

Phương án 1: Nhà đầu tư sử dụng giá trị thanh toán đến hạn để mua ngay tài sản và nhận chiết khấu 20% trên giá bán niêm yết của chủ đầu tư dành cho khách hàng hiện hữu. Đối với các khoản thanh toán quá hạn, nếu nhà đầu tư muốn đặt mua bất động sản, điều tương tự cũng được áp dụng.

Phương án 2: Nhà đầu tư đến hạn hoặc chưa đến hạn thanh toán dùng tiền đã thanh toán để đầu tư vào BĐS của chủ đầu tư với cam kết mua lại, cùng chính sách ưu đãi lớn, chiết khấu lên đến 50% trên giá bán niêm yết của chủ đầu tư.

Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nói chung, hạn mức tín dụng tại các tổ chức tín dụng cũng bị siết chặt hơn. Hơn nữa, cùng một khoản doanh thu chậm nên dẫn đến ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Để đảm bảo việc thanh toán cho những khách hàng đã chậm thanh toán và sẽ đến hạn trong thời gian tới, bên cạnh việc đưa ra phương án thanh toán hợp đồng đến hạn, doanh nghiệp đưa ra phương án chuyển đổi bất động sản với các phương án như trên để nhà đầu tư lựa chọn.

Các phương án hoán đổi trái phiếu thành các tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu cũng tồn tại nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều người hưởng ứng những phương án này và nhận định đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về những rủi ro khi hoán đổi thành bất động sản do những vấn đề liên quan đến pháp lý và tiến độ dự án…

 

Ngọc Lan

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục