Số phận đặc biệt của dự án FDI đầu tiên tại Việt Nam

Năm 1991, dự án FDI đầu tiên tại Việt Nam được triển khai ở một bãi cát hoang vu, không có hoa màu, chỉ có phi lao ven biển do một doanh nhân người Đài Loan (Trung Quốc).

Năm 1991, dự án FDI đầu tiên tại Việt Nam được triển khai ở một bãi cát hoang vu, không có hoa màu, chỉ có phi lao ven biển do một doanh nhân người Đài Loan (Trung Quốc).

Người tiên phong

Ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhớ lại, năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, ngay sau đó, Luật Công ty được triển khai xây dựng. Thời điểm này, các công ty Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Asean đã bắt đầu vào Việt Nam để tìm hiểu chính sách phát triển kinh tế của ta và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Đây cũng là thời gian Việt Nam bị bao vây cấm vận, khó khăn chồng chất, Luật Đầu tư, Luật Đất đai chưa ra đời hoặc chưa có quy định rõ ràng nên doanh nghiệp FDI cũng rất cân nhắc khi đến Việt Nam khảo sát và quyết định đầu tư.

Thời điểm này, sau nhiều “thăm dò” về mặt chính sách cũng như lợi thế địa lý để đảm bảo kỳ vọng cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan đã “chấm điểm” Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi thực hiện dự án theo chính sách thu hút đầu tư của nhà nước Việt Nam. Đầu năm 1991, Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise với quy mô 220 ha tại đặc khu Bà Rịa – Vũng Tàu được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư chính thức cấp phép cho Công ty liên danh Vũng Tàu Paradise. Đây là liên doanh giữa Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan) và Công ty Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu - Intourco, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty liên doanh là 61,8 triệu USD, phía Việt Nam góp 25% vốn, bằng 220 ha đất, Công ty Paradise Development and Investment góp 75% vốn, bằng tiền mặt.

Công chủ đầu tư Vũng Tàu Paradise đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành sân golf 27 lỗ với mong muốn góp phần đưa ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đi lên.
Công chủ đầu tư Vũng Tàu Paradise đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành sân golf 27 lỗ với mong muốn góp phần đưa ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đi lên.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, nhớ lại, dự án Vũng Tàu Paradise được triển khai trên khu đất rộng lớn 220 ha. Khu đất lúc đó hoang vắng lắm, không có dân cư, chỉ có cát, phi lao, và vô vàn cỏ dại... Vùng đất chỉ có cát trắng và gió biển mặn mòi ấy, sau khi được cấp phép sẽ biến bãi cát mênh mông thành một khu du lịch tầm cỡ, ở đó có khách sạn, sân golf, khu vui chơi giải trí, là nơi tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Bởi vậy, khi được cấp phép ai cũng mừng và tán thành.

Thời điểm những năm 90, Việt Nam đang bị bao vây cấm vận, các chính sách về đầu tư, đất đai chưa rõ ràng, môi trường đầu tư có nhiều bất ổn. Với những rủi ro như vậy, nhưng theo GS Nguyễn Mại, ông chủ Đài Loan là người tiên phong “đầu tư vào đây ba chục triệu USD, một số tiền rất lớn lúc bấy giờ, còn phía Việt Nam thì chỉ góp đất, chẳng mất gì cả”. Với những quyết tâm đó, Vũng Tàu Paradise được khai sinh, đây là dự án FDI (dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Một dự án có rất nhiều ý nghĩa lịch sử, ngoại giao.

Xung đột

Trong thời kỳ đầu, theo Luật Đầu tư, thời hạn cấp phép cho các dự án FDI tại Việt Nam là từ 20 đến 25 năm là nhiều. Sau này mới cho đến 50 - 70 năm. Dự án Vũng Tàu Paradise chỉ được cấp phép 25 năm. Nhưng đó cũng chưa phải là bất lợi duy nhất.

Theo đó, dự án được cấp Giấy phép đầu tư vào năm 1991, nhưng đến năm 1993, chủ đầu tư mới được cấp đất, chậm 2 năm so với cam kết. Trong khi các dự án khác của doanh nghiệp Đài Loan được đối tác Việt Nam chuyển giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Vũng Tàu Paradise lại bị đối tác liên doanh bẻ ghi, lật kèo. Trong khi Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ, đối tác góp vốn bằng đất thì phải chuyển quyền Giấy chứng nhận sử dụng đất vào liên doanh để thực hiện dự án, thì trái lại, công ty Intourco chỉ bàn giao đất trên thực địa, không bàn giao hồ sơ pháp lý khu đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), không thực hiện thủ tục sang tên người sử dụng đất, không thực hiện chuyển quyền đăng ký sử dụng đất vào công ty liên doanh. Điều đó, dẫn đến các hệ quả pháp lý nặng nề cho dự án. Việc chậm trễ bàn giao đất khiến dự án không thể triển khai đúng tiến độ, các quy hoạch 1/500 chưa lập xong và không được phê duyệt, toàn bộ công trình xây dựng hầu hết không có giấy phép xây dựng hoặc không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Từ đó dẫn tới toàn bộ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (hơn 26 triệu USD) đầu tư vào chi phí dự án và chi phí tài sản cố định, đầu tư xây dựng các công trình của dự án hầu hết đã bị “ngâm tôm” tại chỗ, không thể quay vòng, tài sản hình thành trên đất không thể thế chấp, cầm cố để vay vốn, khiến việc khai thác hiệu quả vốn đầu tư đạt quá thấp và chủ yếu là thua lỗ, thậm chí sau này cũng sẽ gặp khó khăn khi thanh lý tài sản.

Sau 6 năm khi được cấp phép đầu tư, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã khiến dòng vốn đầu tư vào các dự án nước ngoài nói chung và dự án của Công ty trở nên khan hiếm. Tiếp đến, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tiếp tục giáng đòn chí mạng cho nền kinh tế thế giới, trong đó chủ đầu tư Vũng Tàu Paradise cũng nằm trong “mắt bão” của cơn cuồng phong tài chính đó. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Không chỉ đối mặt với muôn vàn trở ngại từ nhân tai, dự án Vũng Tàu Paradise còn liên tiếp đối mặt với những cơn cuồng nộ của tự nhiên, để lại những hậu quả nặng nề về lâu dài, khó khắc phục. Năm 2006, khi các hạng mục ban đầu đã đi vào hoạt động và thu hút được du khách trong và ngoài nước thì cơn bão Durian, cơn bão tàn khốc nhất trong lịch sử đã càn quét khắp các tỉnh Tây Nam Bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Cơn bão đi qua, hậu quả để lại cho Vũng Tàu Paradise là sở vật chất, hạ tầng vừa đi vào hoạt động đã bị hư hỏng nghiêm trọng, đòi hỏi nguồn vốn tiếp tục để tái đầu tư.

“Phải nói rằng đến năm 2005 – 2010, họ chưa có đồng lãi nào, bởi những tác động như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, bởi quá trình hợp tác giữa công ty Đài Loan với Công ty Intourco sóng gió cũng rất nhiều. Khi bàn giao cho địa phương đã xảy ra một số vấn đề mà địa phương cũng không xử lý đến”, GS Nguyễn Mại nhớ lại.

Lối thoát

Với những sự kiện đầy rẫy bất lợi như vậy, bất chấp khó khăn, công ty vẫn cố gắng tối đa để huy động vốn và đưa dự án đi vào hoạt động, theo đúng cam kết.

Chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị xin điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng không được chấp thuận. Trong khi nhà đầu tư nỗ lực hết mình để phát triển dự án, thì ngược lại, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại có những hành động cứng rắn, đưa ra các “tối hậu thư” yêu cầu thu hồi dự án. Trong các năm 2006, 2008, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục có công văn yêu cầu chấm dứt trước thời hạn hoạt động của liên doanh. Ngày 25/6/2012, Intourco đơn phương phát hành văn bản số 45 gửi tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án sau khi hết thời hạn 25 năm của Liên doanh và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đanh nhanh chóng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận đề xuất của Intourco.

Tiếp đó, tháng 12/2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi 220ha đất của dự án Vũng Tàu Paradise để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý (quyết định này sau đó đã được tỉnh thu hồi lại). Đầu tháng 9/2020, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu quan điểm là không gia hạn cho dự án vì thời gian qua dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết, vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Và mới đây nhất, ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh ký văn bản hỏa tốc số 19045 giao Sở TN&MT khẩn trương tham mưu, đề xuất thu hồi 220 ha đất Vũng Tàu Paradise.

Trái ngược với động thái quyết liệt thu hồi dự án của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các bộ, ngành khi được tham vấn, đều rất chia sẻ với những khó khăn mà chủ đầu tư đang gặp phải và đa số đều ủng hộ cần có phương án xử lý triệt để phù hợp với quy định pháp luật qua các thời kỳ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và khiếu kiện quốc tế.

Để tìm lối thoát cho dự án, Tại cuộc họp tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương nghiên cứu, chính thức xem xét đề xuất phương án xử lý cụ thể trong 3 phương án (2 phương án do Bộ KHĐT đề xuất và “phương án gia hạn” được đại diện các cơ quan ủng hộ). Sau nhiều lần được Bộ KHĐT, Văn phòng Chính phủ đôn đốc, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu đã có một số văn bản gửi Bộ KHĐT, nhưng các văn bản này không đề xuất phương án cụ thể như chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngày 6/10/2021, trên cơ sở Thư đề nghị của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gửi ý kiến về Bộ KHĐT trước ngày 10/10/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cũng giống như những lần trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản gửi Bộ KHĐT, không nêu được phương án cụ thể như chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và cho rằng việc xử lý nằm ngoài thẩm quyền.

Trái ngược với những báo cáo cho rằng “nằm ngoài thẩm quyền”, mới đây nhất, ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh lại ký văn bản hỏa tốc (số 19045) giao Sở TN&MT khẩn trương tham mưu, đề xuất thu hồi 220 ha đất dự án Vũng Tàu Paradise!

Bà Liu Mei Teh, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise, chua chát nói rằng, dự án Vũng Tàu Paradise là tâm huyết trong suốt cuộc đời doanh nhân của bà. Những người trong hành trình xung phong đưa dự án FDI vào Việt Nam đáng ra không nên bị đối xử như vậy. Hành động của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm tổn thương sâu sắc đến bà cũng như cộng đồng doanh nhân Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam. Bà Liu cho hay, nếu số tiền hàng chục triệu USD thời điểm đầu tư vào Việt Nam nếu mua đất ở các vị trí khác, đến nay giá trị tài sản có thể tăng lên đến hàng tỷ đô la. Dù không muốn, nhưng nếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không xem xét thấu tình đạt lý các kiến nghị của doanh nghiệp, thì buộc lòng, bà phải đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, sẽ đòi bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD cho công ty. Và khi đã ra toà thì hai bên không còn tình cảm nữa, do đó tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ không có cơ hội để thương lượng, hoà giải.

Bà Liu Mei Teh, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.
Bà Liu Mei Teh, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.

Vì yêu Việt Nam, quyết tâm đầu tư để dự án thành công, nên ngay từ đầu, chủ đầu tư đã không ngại khó khăn cho triển khai các hạng mục được cho là “xương” nhất của dự án. Ngoài khách sạn, khu vui chơi, Công ty đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành sân golf 27 lỗ. 30 năm trước, đầu tư vào sân golf là nắm chắc phần thua, nhưng vì bộ mặt của dự án, và đặc biệt là mong muốn góp phần đưa ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đi lên, chủ đầu tư chấp nhận chi số tiền rất lớn cho công trình này. Nhờ đó, đến nay sân golf của dự án trở thành biểu tượng của ngành du lịch thành phố biển Vũng Tàu.

(Theo Doisongphapluat)

Hiếu Nguyễn

travelmag.vn
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục