Doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân bất động sản: Người mạnh dạn đầu tư, kẻ vội vàng thoái vốn

Gần đây, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu lấn sân bất động sản như Coteccons, Haxaco,... Mặt khác, có doanh nghiệp đã bắt đầu thoái vốn sau nhiều năm lấn sân sang lĩnh vực này như Xây dựng Hòa Bình, thậm chí còn ôm đất vàng rồi bỏ hoang như Tập đoàn Bảo Việt.

Loạt doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân làm bất động sản

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau liên tiếp có kế hoạch làm dự án bất động sản, đánh dấu bước đầu tiên vào một ‘sân chơi’ mới hoàn toàn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - mã chứng khoán: HAX), nhà phân phối lớn nhất của thương hiệu Mercedes tại Việt Nam quyết định lấn sân sang bất động sản.

Theo đó, Haxaco vừa công bố nghị quyết của HĐQT về chấp thuận việc đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc chủ trương dự án Khu căn hộ cao tầng N&T Tower tại quận Bình Tân, TPHCM.

Dự án này trước đó thuộc sở hữu của một nhà đầu tư khác. Khu đất Haxaco chuẩn bị mua lại là đất ở đô thị, có diện tích gần 5.800m2, được xây dựng 24 tầng cao. Tổng số tiền Haxaco dự kiến bỏ ra để mua lại tài sản này dự kiến không vượt quá 470 tỷ đồng.

Với việc mua lại khu đất 5.800m2 tại TPHCM, Haxaco chính thức lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Chủ tịch công ty Đỗ Tiến Dũng từng nói thẳng với cổ đông hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là phân phối xe Mercedes sẽ không còn nhiều dư địa để tăng trưởng do hãng xe sẽ không muốn để một đại lý chiếm thị phần bán hàng quá lớn. Do đó, doanh nghiệp phải mở rộng thêm những hoạt động khác để duy trì tăng trưởng.

Nhà phân phối xe Mercedes lớn nhất Việt Nam chi 470 tỉ mua bất động sản
Nhà phân phối xe Mercedes lớn nhất Việt Nam chi 470 tỉ mua bất động sản

Hay Tập đoàn Thành Nam (TNI), một doanh nghiệp thép, cũng khẳng định tiếp tục kế hoạch mở rộng kinh doanh bất động sản tại các thị trường Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Yên,... ngay sau khi lãnh đạo phê duyệt việc bán khu đất làm dự án tại Đà Nẵng (diện tích 2.039 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 1.090 tỷ đồng) để trả nợ. 

Được biết, việc mở rộng sang đầu tư bất động sản là một ngã rẽ mới, định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành nghề của Thành Nam. 

Tương tự, CTCP Halcom Việt Nam (Mã chứng khoán: HID) - doanh nghiệp được biết đến với lĩnh vực chính là năng lượng tái tạo mới đây đã thông báo sẽ góp toàn bộ 4.540 tỷ đồng thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3 – Phương Mai 3 Resort do Công ty CP Phong điện Miền trung (công ty con của Halcom) làm chủ đầu tư.

Nói về dự án này, lãnh đạo Halcom từng cho biết đây là bước đi đầu tiên của công ty trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, dự kiến sẽ được triển khai bán hàng trong năm 2025 và bắt đầu hoạt động trong năm 2026.

Một doanh nghiệp xây dựng khác là Coteccons (CTD) vừa qua cũng công bố ký kết hợp tác với Tập đoàn Lê Phong đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng dự án căn hộ cao cấp The Emerald 68 tại Bình Dương. Theo Coteccons, đây là bước chuyển mình của công ty từ tổng thầu xây dựng sang phát triển dự án căn hộ.

Doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân bất động sản: Người mạnh dạn đầu tư, kẻ vội vàng thoái vốn - Ảnh 1

The Emerald 68 có vị trí đắc địa bởi tọa lạc tại mặt tiền đại lộ Bình Dương và đường Vĩnh Phú 16, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1km, sát thành phố Thủ Đức. Dự án này nằm trong chuỗi căn hộ cao cấp của Tập đoàn Lê Phong tại Bình Dương có diện tích gần 8.000m2, gồm hai toà cao 39 tầng nổi, 3 tầng hầm với gần 800 căn hộ có diện tích từ 35 – 90m2 được thiết kế từ 1 – 3 phòng ngủ, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Trường hợp tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods, HNX: VDL) vừa đăng ký làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại số 31, 32 Ngô Văn Sở, phường 9, TP. Đà Lạt.

Dự án có tổng diện tích 8.593 m2 là trụ sở làm việc, kho và cơ sở sản xuất của công ty theo Hợp đồng thuê đất, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, kế hoạch này không được chấp thuận do chưa phù hợp với quy hoạch và quy định. 

Lấn sân bất động sản, doanh nghiệp ngoài ngành vội thoái vốn hoặc ôm đất rồi… bỏ hoang

Việc đầu tư bất động sản đối với các doanh nghiệp ngoài ngành không phải là xu hướng mới, đặc biệt với các doanh nghiệp có sẵn tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian lấn sân bất động sản vẫn quyết định rút lui về để tập trung nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính. Thậm chí có doanh nghiệp ngoài ngành ôm đất rồi... bỏ hoang.

Doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân bất động sản: Người mạnh dạn đầu tư, kẻ vội vàng thoái vốn - Ảnh 2

Điển hình tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Sau thời gian dài lấn sân đầu tư hàng loạt các dự án bất động sản, đến giữa năm 2021 doanh nghiệp xây dựng này quyết định thoái vốn các dự án đầu tư địa ốc trong nước, hoặc công ty con kinh doanh không hiệu quả. Số tiền thu về nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh lĩnh vực xây dựng, bao gồm dân dụng, công nghiệp, hạ tầng trong nước và đầu tư ra nước ngoài. 

Hòa Bình hiện đang thực hiện tái cấu trúc để tập trung mảng chủ lực là xây dựng trong những năm tới. Công ty có kế hoạch thoái vốn các dự án bất động sản: Ascent Cityview, Ascent Garden Homes, Ascent Plaza, Ascent Lake Side, Long Thới và dự kiến thu hơn 2.000 tỷ đồng về giá trị và khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận. Điều này sẽ giúp gia tăng nguồn vốn, giảm áp lực nợ hoạt động.

Theo thông tin chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, dự án Ascent Garden Home đã thoái vốn sẽ thu về khoảng hơn 225 tỷ đồng; dự án Ascent Cityview do vấn đề pháp lý nên đang chờ hướng dẫn; dự án Ascent Plaza hiện đang đàm phán với một số đối tác để tiến hành thủ tục thoái vốn, hiện chưa có kết quả chính thức.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm hàng đầu Việt Nam cũng lấn sân bất động sản với hàng loạt dự án đất vàng tại Hà Nội. Thế nhưng, nhiều năm qua, những dự án trên “đất vàng” của tập đoàn này vẫn án binh bất động.

Điển hình là dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, một đối tác góp 50%.

Dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT do Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm.
Dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT do Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm.

Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là khu văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là: Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy.

Đáng chú ý, hiện thị trường bất động sản cũng đang gặp khó với vấn đề về dòng vốn đối với chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm 2022, song, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản. 

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục