Bất động sản An Gia: Ôm nghìn tỷ cho vay chứ không nộp hết thuế

Bất động sản An Gia sẵn sàng ôm nghìn tỷ cho vay, chứ không nộp hết thuế khiến Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng mạnh lên 461 tỷ đồng.

"Ôm" nghìn tỷ cho vay chứ không nộp hết thuế

Ngày 30/12/2022, Chi cục thuế quận 3 - Cục Thuế Tp.HCM đã có Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Công ty An Gia). Thời kỳ kiểm tra là năm 2021.

Theo đó, Công ty An Gia đã có hành vi vi phạm hành chính cả ở thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Giá trị gia tăng (GTGT). An Gia bị kết luận là kê sai căn cứ tính thuế dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Vì thế, công ty này bị truy thu thuế gần 306 triệu đồng.

Liên quan đến thuế, An Gia không chỉ vi phạm hành chính mà còn nợ thuế khá lớn. Tại ngày 31/12/2021 (thời kỳ kiểm tra của Chi cục Thuế quận 3), thuế và các khoản phải nộp nhà nước của An Gia tăng mạnh từ 63,7 tỷ đồng lên 96,8 tỷ đồng.

Bất động sản An Gia sẵn sàng ôm nghìn tỷ cho vay, chứ không nộp hết thuế.
Bất động sản An Gia sẵn sàng ôm nghìn tỷ cho vay, chứ không nộp hết thuế.

Đáng chú ý, An Gia nợ thuế dù còn rất nhiều tiền đi cho vay. Hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu phải thu về cho vay ngắn hạn tại An Gia tăng mạnh từ 718 tỷ đồng lên 1.708 tỷ đồng; Phải thu về cho vay dài hạn tăng từ 0 đồng lên 990 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Phát triển Nhà An Gia là bên nợ lớn nhất của An Gia khi ghi nhận 765 tỷ đồng vay dài hạn và 546 tỷ đồng vay ngắn hạn. Đứng sau là Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Linh (166 tỷ đồng vay ngắn hạn và 225 tỷ đồng vay dài hạn), Công ty Thiên Ân (326 tỷ đồng), Công ty TNHH Phát triển Hưng An (323 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Hoàng Bách (175 tỷ đồng),…

Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2022, An Gia vẫn lựa chọn cách nợ thuế nhưng tăng cường cho vay.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp nhà nước tại An Gia lên tới 461 tỷ đồng, tăng 364 tỷ đồng, tương đương 375% so với năm 2021. Trong đó, thuế TNDN là 266 tỷ đồng, thuế GTGT là 193 tỷ đồng.

Bất chấp nợ thuế tăng mạnh, tại An Gia, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tăng từ 1.708 tỷ đồng lên 1.996 tỷ đồng; Phải thu về cho vay dài hạn tăng từ 990 tỷ đồng lên 1.148 tỷ đồng. Đây là các khoản cho vay tín chấp, chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư dự án.

So với hồi cuối năm 2021, danh sách các bên nợ trăm tỷ còn có Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Dịch vụ Thương mại Đông Nam (159 tỷ đồng) và Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư Vĩnh Nguyên (237 tỷ đồng).

Bên nợ vốn nhỏ hoặc lao động ít

Cần phải nhấn mạnh, Công ty An Gia sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng cho vay những đơn vị có quy mô bé. Với Nhà An Gia, cuối năm 2021, Công ty An Gia đã cho vay tới 1.311 tỷ đồng bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn.

Công ty Nhà An Gia thành lập ngày 23/9/2019 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Huy. Tại thời điểm thành lập, Nhà An Gia có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Nguyễn Văn Giáo (sở hữu 15% vốn), ông Vũ Đình Vượng (sở hữu 70% vốn) và bà Nguyễn Thị Kim Hoa (sở hữu 15% vốn).

Quy mô Nhà An Gia bé tới mức, tới ngày 13/12/2022, tổng số lao động của công ty được xác định chỉ là… 3 người, không đổi so với thời gian trước đây.

Dự án The Sóng của Bất động sản An Gia ở Vũng Tàu.
Dự án The Sóng của Bất động sản An Gia ở Vũng Tàu.

Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Linh thành lập ngày 15/5/2018 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Hương Giang. Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (sở hữu 1% vốn điều lệ), ông Dương Văn Hồng (sở hữu 50% vốn), Phạm Minh Tiến (sở hữu 49% vốn).

Tới ngày 21/1/2019, vốn điều lệ công ty tăng vọt lên 352 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới ngày 15/11/2021, tổng số lao động của công ty vẫn chỉ là 3 người.

Công ty TNHH Phát triển Hưng An cũng được An Gia rót hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, tới ngày 8/12/2022, tổng số lao động của công ty chỉ là… 1 người.

Có thể thấy, bất chấp phải nợ thuế, Bất động sản An Gia vẫn rót hàng tỷ đồng cho những công ty có nhiều dấu hiệu bất thường: Vốn chục tỷ, thậm chí trăm tỷ nhưng chỉ có từ 1 đến 3 người lao động.

Quý đầu tiên thua lỗ

Quý 4/2022 là quý đầu tiên An Gia thua lỗ kể từ khi công bố công khai báo cáo tài chính.

Theo đó, trong kỳ, An Gia thua lỗ 103 tỷ đồng dù lãi 222 tỷ đồng trong quý 4/2021; lũy kế cả năm chỉ lãi 96,6 tỷ đồng, giảm 324 tỷ đồng, tương đương 77% so với cả năm 2021. Đáng chú ý, An Gia lỗ nặng dù doanh thu cải thiện mạnh khi tăng 4.370 tỷ đồng, tương đương 386% so với quý 4/2021.

Nguyên nhân là do Chi phí tài chính (trong đó có chi phí lãi vay) và Chi phí bán hàng tăng mạnh.

Quý 4/2022, Chi phí tài chính tăng 60 tỷ đồng, tương đương 118% lên 111 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng từ 26,5 tỷ đồng lên 62,2 tỷ đồng; Chi phí bán hàng 459 tỷ đồng, tương đương 79,5% lên 577 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay cao khi mà tổng nợ vay của An Gia tại ngày 31/12/2022 dù suy giảm nhưng vẫn rất lớn, lên đến 1.534 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù thua lỗ, dù nợ thuế tăng và số nợ là rất lớn nhưng Công ty An Gia vẫn ôm hàng ngàn tỷ đồng đi cho vay. Đáng chú ý, các “con nợ” của An Gia có đặc điểm chung là hoặc vốn rất nhỏ hoặc số lượng lao động vô cùng khiêm tốn, chỉ từ 1 đến 3 người. Đây là thông tin đặt ra nhiều nghi vấn.

Mộc Hương - Quang Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục