Vụ việc Grab tăng giá cước: Có phải Grab đang “ăn hai mang”?

Những động thái mới nhất của Grab cho thấy DN này đang phớt lờ tất cả để tiếp tục giữ quan điểm không giảm chiết khấu của tài xế.

Phía DN Grab vừa chính thức lên tiếng về những tranh cãi liên quan đến việc DN này tăng giá cước và tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế để bù vào 10% thuế VAT phải nộp theo quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5 -12-2020.

Theo đó, đại diện Grab khẳng định, phần trăm khấu trừ vẫn giữ nguyên 20% (đối với tài xế Grabbike) còn phần trăm tăng thêm chính là phần thuế VAT của các tài xế mà Grab có trách nhiệm thu hộ.

Đại diện Grab lý giải, trước đây mức chiết khấu 20% + thuế VAT 3% và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (trên phần 80% doanh thu mà tài xế được nhận). Khi Nghị định 126 áp dụng từ 5-12 trở đi, chiết khấu trên mỗi cuốc xe thì thuế VAT sẽ từ 3% lên 10% trên doanh thu mỗi cuốc xe, tức tăng 7% so với trước.

Như vậy, phần chiết khấu mà Grab đang áp dụng với GrabBike 27,273% thực chất đây là phần thuế cộng vào để thu hộ chứ hãng không tăng chiết khấu.

Vụ việc Grab tăng giá cước: Có phải Grab đang “ăn hai mang”? - Ảnh 1
Hàng trăm tài xế Grab đã tập trung tại trụ sở Grab để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe.

Về việc tăng giá cước từ ngày 5-12, là thời điểm Nghị định 126 chính thức có hiệu lực, đại diện Grab cho rằng DN này đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả.

Trước khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Grab chịu 3% thuế VAT và “bổ” luôn xuống đầu tài xế. Đến khi mức thuế này tăng từ 3% lên 10% theo quy định của Nghị định 126/2020, ngay lập tức 7% thuế VAT tăng thêm được Grab “bổ” tiếp xuống đầu các tài xế. Không những vậy, cùng với việc tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi cuốc xe của tài xế, Grab còn tăng giá cước từ 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.

Liên quan đến vụ việc tài xế Grab tăng giá cước, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Grab đang có dấu hiệu trục lợi từ chính văn bản pháp lý được cho là sinh ra để quản lý việc nộp thuế của DN này.

“Đương nhiên, sự ra đời của Nghị định 126/2020/NĐ-CP là cần thiết và kịp thời để quản chặt những DN kiểu như Grab trong nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng Grab lại đổ nghĩa vụ nộp thuế đấy cho tài xế và cả người tiêu dùng là không được”, luật sư Thái cho hay.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý này, trên danh nghĩa được gọi là đối tác nhưng tài xế chịu chi phí rất nhiều, từ mua sắm phương tiện, đổ xăng xe, bỏ công sức lái xe, tiền sửa chữa, bảo hành xe... trong khi Grab chỉ cung cấp ứng dụng gọi xe.

“Grab không thể vừa tăng phần trăm khấu trừ cuốc xe của tài xế vừa tăng cước để thu thêm tiến của người tiêu dùng được. Như thế là họ đang “ăn hai mang”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này”, luật sư Thái kiến nghị.

Xung quanh vụ việc hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ Grab tập trung, bấm còi inh ỏi, căng băng rôn với khẩu hiệu phản đối Cty tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác. Bước đầu, cơ quan chức năng xác minh nhóm người này chưa gây rối trật tự công cộng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thái cho biết, trong vụ việc này nếu các tài xế Grab đòi hỏi quyền lợi của mình một cách chính đáng, việc tập trung đông người chưa gây ách tắc giao thông nhiều giờ hoặc chưa ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức thì cơ quan chức năng cũng sẽ không đề cập đến câu chuyện trách nhiệm pháp lý của nhóm người này.

“Cơ quan chức năng sẽ xem xét đánh giá về tác động, hậu quả do việc tập trung đông người gây ra cho xã hội. Trường hợp đây là những ý kiến yêu cầu chính đáng của người lao động mà không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì hành vi không vi phạm pháp luật”, luật sư Thái cho hay.

Thái An

PLXH
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục