Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty quản lý, đầu tư BĐS 18.000 tỷ
Công ty CP quản lý và đầu tư bất động sản VMI (VMI JSC) do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng các cổ đông khác trong đó có Vinhomes được thành lập ngày 6/10 với vốn điều lệ 18.000 tỉ đồng, ông Vượng chiếm đến 90% cổ phần, tương đương 16.200 tỉ đồng.
VMI JSC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.
Cụ thể, VMI JSC sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư hợp tác với VMI JSC sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỉ lệ đầu tư.
Trong thời gian hợp tác kinh doanh, VMI JSC tính toán để đưa ra các chính sách hợp tác đầu tư linh hoạt dựa trên thực tế thị trường, đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ việc gia tăng giá trị của bất động sản trong thời gian đầu tư, đồng thời được VMI JSC cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hằng năm để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi. Các chính sách hợp tác đầu tư sẽ được VMI JSC công bố công khai trên nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến…
Hơn 240 dự án NƠXH đang chờ hoàn thành thủ tục đầu tư
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng quy mô xây dựng hơn 450.000 căn đang triển khai đầu tư.
Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Các địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng gồm: Hà Nội có 38 dự án đang chờ làm thủ tục (gần 33.666 căn hộ), 5 dự án đang xây dựng (hơn 6.600 căn hộ); TPHCM có 11 dự án đang chờ hoàn thành thủ tục (gần 9.000 căn hộ), 38 dự án đang xây dựng (hơn 45.000 căn hộ).
Tỉnh Bình Dương có 42 dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục (hơn 66.000 căn hộ), 6 dự án đang xây dựng (hơn 26.000 căn hộ); Đồng Nai có 12 dự án chờ hoàn thiện thủ tục (gần 4.000 căn hộ), 14 dự án đang xây dựng (hơn 14.000 căn hộ); TP Đà Nẵng có 2 dự án đang chờ làm thủ tục (hơn 1.000 căn hộ), 3 dự án đang xây dựng (gần 2.700 căn hộ).
Tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp, với quy mô gần 156.000 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng gần 8 triệu m2.
TP HCM rà soát hơn 300 dự án treo
Vừa qua, Ban Đô thị HĐND TP.HCM có buổi giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP.HCM tại Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT).
Báo cáo đoàn giám sát, Giám đốc Sở TNMT cho biết, từ năm 2016 đến năm 2020 có 1.445 dự án được HĐND TP ban hành nghị quyết thông qua công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, trong 1.445 dự án được HĐND TP.HCM thông qua, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (28%); 741 dự án đang triển khai (51%), còn lại 302 dự án chưa thực hiện (chiếm 21%). Đặc biệt, 302 dự án còn lại đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai, có địa phương có đến 30% số dự án chưa thực hiện.
Nguyên nhân các dự án chậm triển khai, được cho là do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để thực hiện bồi thường và thực hiện dự án; công tác bồi thường còn nhiều khó khăn về phương án, giá,…
Giám đốc Sở TNMT – ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh việc rà soát các dự án quá 3 năm chưa thực hiện để xem xét đưa ra khỏi nghị quyết. Về vấn đề quyền của người dân đối với mảnh đất của mình khi dự án quá 3 năm chưa thực hiện, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng lưu ý, phải rà soát kịp thời và đưa các dự án ra khỏi các nghị quyết trước đây. Bởi khi đã nằm trong kế hoạch sử dụng đất thì quyền về đất đai, xây dựng của người dân bị hạn chế.
Đồng thời, Giám đốc Sở TNMT đề xuất đối với các dự án đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để người dân thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng.
TP Hạ Long hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại đảo Tuần Châu
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) Nguyễn Tiến Dũng đã ký quyết định hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại phường Tuần Châu, trong đó đa phần đồ án bị hủy là khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu.
Theo quyết định này, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) nêu lý do hủy bỏ là 27 đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến nay là 26 tháng mà chưa thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chưa triển khai thực hiện.
Do đó, UBND TP Hạ Long cần xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo quy định tại Điều 46, Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và triển khai phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo, Luật Di sản văn hóa.
Cũng tại quyết định này, UBND TP Hạ Long giao UBND phường Tuần Châu căn cứ quy định hiện hành chủ trì, phối hợp cùng các phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố các đơn vị và cá nhân có liên quan tổ chức công bố công khai quyết định này.
Đồng thời, phường Tuần Châu quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Bình Định siết chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở
UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc triển khai một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh này giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường mua bán, chuyển nhượng đất đai không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” trên địa bàn
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh không xử lý hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (không cùng thửa đất ở) sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết