Thị trường bất động sản tiếp tục đứng trước áp lực tăng giá và gặp khó về thanh khoản

VARS nhận định, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng. Đồng thời, thanh khoản thị trường bất động sản sẽ giảm do dòng tiền dễ không còn.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2022 của Hội Môi giới Bấtt động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay.

Cùng với đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, là giá nhà tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Đây là giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, đồng thời cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, chính trị xung quanh. Giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự đi qua, cùng với đó là chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản.

Thị trường bất động sản gặp "khó".
Thị trường bất động sản gặp "khó".

Việc mua nhà để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính cần được cân nhắc. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô.

“Sự phục hồi của nền kinh tế kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Đặc biệt trong tình hình nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều lý do, mặt bằng giá bất động sản tăng lên trong thời gian tới là điều có thể tính đến. Mua nhà để ở trong giai đoạn “bản lề” này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế và tín dụng và mặt bằng giá cả” - báo cáo của VARS nhấn mạnh.

Thống kê của VARS cho thấy hơn một nửa nguồn cung bất động sản nhà ở trong 6 tháng đầu năm nay thuộc phân khúc căn hộ thấp tầng và đất nền, trong khi đó căn hộ bình dân gần như vắng bóng. VARS nhận định phân khúc này có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay.

Theo đó, bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục gặp khó về nguồn cung do các nguyên nhân như quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp. Việc kiểm soát các kênh huy động vốn chặt chẽ hơn cũng sẽ khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai dự án.

Nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu được thúc đẩy là các yếu tố khiến giá cả bất động sản phân khúc căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay, bất chấp giao dịch sẽ trầm lắng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, thực tế hầu hết các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội bất động sản phản ánh đã không tiếp cận được vốn vay trong thời gian vừa rồi.

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư bất động sản tăng trưởng. Trước nguy cơ lạm phát trên toàn cầu, những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền. Lạm phát cũng đồng thời thúc đẩy người dân mua bất động sản để nắm giữ giá trị, trong đó đất nền và các căn hộ thấp tầng được ưu tiên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm tiếp tục đứng trước áp lực tăng giá và gặp khó về thanh khoản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm tiếp tục đứng trước áp lực tăng giá và gặp khó về thanh khoản.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa được phục hồi trở lại sau hai năm bị gián đoạn bởi Covid-19. Lượng dân cư đổ lên thành phố khiến nhu cầu nhà ở tăng lên một cách tự nhiên. VARS dự báo, loại bỏ những cơn sốt đất như cuối năm 2021, đầu 2022, mức giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm.

“Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng. Trong đó, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Đồng thời, thanh khoản thị trường sẽ giảm do dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn”.

VARS nhận định, nếu những khó khăn này không thể tháo gỡ có thể thị trường sẽ có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ chô các doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn thuận lợi.

VARS cũng kiến nghị Nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc sửa đổi luật để tạô ra một hành lang thông thoáng. Việc kiểm soát dòng tiền phải cân đối với việc hỗ trợ các loại hình có lợi cho hoạt động kinh tế tích cực (phát triển nhà ở xã hội, du lịch).

"Trong giai đoạn cuối năm, thị trường còn đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn nhưng chúng tôi hy vọng các điều hành, chính sách của Chính phủ sẽ hạn chế được khó khăn, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, giúp cho thị trường có những tín hiệu tích cực hơn", ông Nguyễn Văn Đính kỳ vọng.

 

Giang Lục

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục