Brand Finance vừa công bố danh sách 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu năm 2020 (Brand Finance Banking 500). Theo đó, 9 ngân hàng Việt lần lượt có mặt trong danh sách là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MBBank, ACB và Sacombank.
Trong đó, Agribank đứng thứ 190, lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng. Vietcombank đứng thứ 207, cải thiện so với thứ hạng 325 năm 2019. Bên cạnh đó, Vietcombank có mức tăng trưởng 99%, đạt 0,8 tỷ USD và đứng thứ 2 toàn cầu chỉ sau ngân hàng Indusind Bank của Ấn Độ.
BIDV cũng tăng thứ hạng từ 307 lên 276, trong khi VietinBank giảm từ vị trí 242 xuống 277. VPBank tăng từ 361 lên vị trí 280, theo sau là thứ hạng của 4 ngân hàng mới là Techcombank (327), MBBank (386), ACB (420) và Sacombank (422).
Vietcombank là ngân hàng thứ 2 có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất. Ảnh: Brand Finance.
Thứ hạng của 5 ngân hàng thương mại cổ phần trong top 500 thương hiệu ngân hàng toàn cầu. Ảnh: Brand Finance.
Kết thúc năm 2019, tình hình 'sức khỏe' của khối ngân hàng quốc doanh có khá nhiều biến động.
Tại BIDV, thu nhập lãi thuần đạt gần 36.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2018. Dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng nhưng ngân hàng đã phải mạnh tay trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018.
Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại BIDV.
Đáng chú ý, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của BIDV ở mức 19.451 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) - nhóm nợ nguy hiểm nhất tăng gần 4.040 tỷ đồng lên hơn 11.208 tỷ đồng, chiếm hơn 50% nợ xấu tại BIDV. Hiện tại, BIDV có giá trị nợ xấu lớn nhất hệ thống.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại BIDV.
Tại Vietcombank, năm 2019 lợi nhuận đạt cao nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt với mức lãi trước thuế 23.123 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động khác giảm nhẹ 5% với 3.070 tỷ đồng.
Hai mảng khác là kinh doanh chứng khoán và thu nhập từ góp vốn giảm mạnh lần lượt 41,7% và 85,7%. Nợ xấu của ngân hàng giảm 8% với 5.724 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ nhóm 5 ở mức khá cao 4.259 tỷ đồng. Vietcombank trích gần 7.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại Vietcombank.
Với 'ông lớn' Agribank, tuy chưa công bố BCTC năm 2019 nhưng ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu đạt 1,4%. Thu nợ sau xử lý đạt trên 12.000 tỷ đồng, hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2019 của Agribank đạt hơn 10.350 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 1.012 tỷ đồng - gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC.
Nợ xấu tại 3 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank năm 2019 chiếm 44% toàn hệ thống với gần 36.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, năm 2019 Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12.838 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Techcombank cũng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro xuống 917 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị nợ xấu tại Techcombank tăng 9,7% lên 3.075 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 tăng 50% lên 2.555 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại Techcombank.
Phía MBB, năm 2019 lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.823 tỷ đồng, tăng 28%. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng của MBBank cũng tăng mạnh trong năm 2019 với gần 4.900 tỷ đồng được trích ra, tăng hơn 61% và tương đương gần 33% lợi nhuận thuần.
Việc chi phí dự phòng tăng mạnh chủ yếu là do MCredit, khi dư nợ tài chính tiêu dùng đang chiếm tỷ trọng 3,9% tổng cho vay và tỷ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 7%. Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ngân hàng tính đến cuối tháng 12/2019 ở mức gần 2.900 tỷ đồng, tăng 1,3%; tương ứng với tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay là 1,16%.
Nợ xấu của ACB là hơn 1.450 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2018. Năm 2019, lợi nhuận trước trích lập chỉ tăng 6%, đạt 7.789 tỷ đồng nhưng chi phí dự phòng giảm 71% còn gần 274 tỷ đồng giúp lãi trước thuế đạt 7.515 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm.
Đối với Sacombank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 3.217 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1%. Sacombank cũng trích 2.153 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 35,2% so với năm trước và tương đương 40% lãi thuần.Tổng giá trị nợ xấu tính đến cuối năm 2019 là 5.733 tỷ đồng, tăng 1,5%. Riêng nợ nhóm 5 tăng từ 4.957 tỷ đồng năm 2018 lên 5.022 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại Sacombank.
Phương pháp định giá thương hiệu của Brand Finance là phương pháp duy nhất được chấp nhận bởi các cơ quan thuế và cơ quan quản lý có quy mô và uy tín quốc tế bao gồm IRS, HMRC và ATO. Brand Finance cũng cho biết, tại khu vực châu Á, thị trường có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất là Việt Nam, với mức tăng 146% so với 2019.
Kể từ khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chiến lược để tăng cường trách nhiệm cũng như sức mạnh của hệ thống ngân hàng, bao gồm các yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn và tính minh bạch cao hơn và nhận thức khách hàng về ngân hàng ngày càng cải thiện.
Hà Phương