Tập đoàn Livzon vừa công bố với nhà đầu tư đã mua lại gần 65% cổ phần của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán IMP) vào hôm 22/5. Giá chuyển nhượng là hơn 5.730 tỷ đồng (tương đương hơn 219,1 triệu USD). Theo đó, mỗi cổ phiếu IMP được bán với giá 57.400 đồng.
Cụ thể, theo thỏa thuận ký ngày 22/5, Livzon sẽ mua lại 64,81% cổ phần Imexpharm từ ba cổ đông lớn, gồm SK Investment Vina III (thuộc SK Group - Hàn Quốc), Sunrise (Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim) và Công ty cổ phần Đầu tư KBA. Tất cả đều bán toàn bộ cổ phần vốn đang nắm ở Imexpharm.
Tổng giá trị chuyển nhượng lên tới hơn 5.730 tỷ đồng. Trong đó, SK Investment dự kiến nhận hơn 4.210 tỷ đồng, Sunrise nhận 862,5 tỷ đồng và KBA nhận gần 652 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Tập đoàn Livzon sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Imexpharm. Tiếp theo là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm - DVN) với tỷ lệ sở hữu 22,04%.
Hiện giao dịch vẫn chưa hoàn tất và phải đáp ứng một số điều kiện: được cơ quan cạnh tranh chấp thận, không vượt hạn mức sở hữu nước ngoài tại Imexpharm, không phát sinh biến động bất lợi trọng yếu với Imexpharm trước ngày hoàn tất. Thời hạn hoàn tất tối đa là 9 tháng kể từ ngày ký thỏa thuận.
Nếu giao dịch được hoàn tất, Imexpharm sẽ trở thành công ty con gián tiếp của Livzon Pharmaceutical Group. Tập đoàn dược phẩm Trung Quốc này được thành lập từ năm 1985 và có hơn 9.000 nhân viên.
Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực thuốc hóa dược, dược phẩm sinh học, dược chất, y học cổ truyền Trung Quốc.
Livzon chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh thuốc tân dược, dược phẩm sinh học, thuốc đông y, nguyên liệu và thiết bị chẩn đoán. Mạng lưới hoạt động của Livzon rộng khắp trong nước và hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Năm 2021, Livzon đạt doanh thu 12,06 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,88 tỷ USD), lợi nhuận ròng 1,78 tỷ nhân dân tệ (278 triệu USD) và đầu tư cho R&D lên tới 1,52 tỷ nhân dân tệ (237 triệu USD).
Trong khi đó, Imexpharm là đối tác sản xuất của các công ty dược phẩm lớn như Sandoz Group AG, Pharmascience Inc (Canada) và Sanofi SA. Doanh nghiệp này đứng đầu về sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh, chiếm 10% thị phần cả nước trong năm 2024.
Năm 2025, Imexpharm đặt kế hoạch doanh thu 2.649 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế khoảng 493,5 tỷ đồng, tăng trưởng 22%.
Tại Imexpharm, cổ đông lớn thứ hai tại Imexpharm là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), sở hữu 22% vốn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Imexpharm đóng cửa phiên 22/5 ở 50.600 đồng một đơn vị, tăng hơn 7,65% so với đầu năm.
Dược phẩm được giới phân tích đánh giá là ngành đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nhờ vào những yếu tố đặc trưng của ngành như tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp, giảm áp lực rủi ro về lãi suất. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành dược có hai đặc trưng rõ ràng là tính thanh khoản thấp, tính phòng thủ vè beta âm, do đó ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong những năm vừa qua đã gia tăng sự hiện diện tại các công ty dược phẩm Việt Nam. Đơn cử như thương vụ gần đây tại Công ty Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT), cổ đông Nhật Bản là ASKA Pharmaceutical đã chi hàng trăm tỷ đồng để gia tăng sở hữu.
Hay mới đây, Công ty Cổ phần FPT Retail (FRT) cho biết Creador Sdn Bhd (Malaysia) sẽ đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư FPT Long Châu (Long Châu Investment) với mục tiêu sở hữu 13% vốn.
Vietnamfinance
In bài viết