Vụ sữa lúa mạch Nestlé Milo: Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không?

Luật sư cho rằng Nestlé Việt Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, cần có sự vào cuộc điều tra của cơ quan chức năng để làm rõ dấu hiệu sai phạm này, cũng như làm rõ việc có hay không Nestlé Việt Nam lừa dối khách hàng!

Liên quan đến việc “gắn mác” Viện Dinh dưỡng để quảng bá sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (gọi tắt là Nestlé Việt Nam) cho rằng “việc này là tuân thủ các quy định”.

Để đi đến “kết luận” đó, Nestlé Việt Nam dựa vào Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP để khẳng định sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Đồng thời, nhãn hàng này cũng cho rằng sản phẩm của mình không thuộc trường hợp cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.

Có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo

Cách giải thích của Nestlé Việt Nam là không sai, nhưng chưa đầy đủ.

Bởi, Điều 7 Luật Quảng cáo là quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; mà sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo không thuộc trường hợp này.

Trong khi, Luật Quảng cáo còn có Điều 8, quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Điều 8 này có 16 khoản, trong đó có khoản 9 quy định như sau: 9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Như vậy, với việc Nestlé Việt Nam dùng kết quả nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (hợp tác với Viện Dinh dưỡng), nhưng lại quảng cáo với dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” là có dấu hiệu vi phạm khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo - theo nhận định của luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình.

Vụ sữa lúa mạch Nestlé Milo: Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không? - Ảnh 1

Văn bản thông tin của Nestlé Việt Nam.

Cũng theo luật sư Hùng, để chính xác và có căn cứ hơn, cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh, làm rõ hành vi để có căn cứ.

Luật sư Hùng cũng giải thích: “Sản phẩm không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo, không có nghĩa là quảng cáo với nội dung gì cũng được. Mà nội dung đó, phải phù hợp với các quy định của pháp luật, trong đó có Điều 8 Luật Quảng cáo”.

Cùng nhận định, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát cho rằng đăng ký quảng cáo khác với công bố thông tin mập mờ để quảng cáo.

Trao đổi thêm, luật sư Hùng cho biết, quảng cáo sai sự thật hay quảng cáo gian dối là hành vi gian dối trong hoạt động quảng cáo, được thực hiện bởi một cá nhân, tổ chức thông qua các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ nhưng nội dung bị phóng đại và không đúng sự thật; từ đó làm ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.

Căn cứ theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội quảng cáo gian dối như sau:

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, tội quảng cáo sai sự thật (quảng cáo gian dối) phạt hình sự, hành chính theo Bộ luật hình sự 2015 như sau:

+ Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không?

Viện Dinh dưỡng cho rằng việc Nestlé Việt Nam tự ý sử dụng cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” trên bao bì đã tạo ra một ấn tượng sai lệch về sự thẩm định và chứng nhận của cơ quan y tế đối với sản phẩm.

Từ thông tin này, dư luận đặt câu hỏi, vậy Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không?

Vì theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

Vụ sữa lúa mạch Nestlé Milo: Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không? - Ảnh 2
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình.

Tuy nhiên, luật sư Hùng cho rằng hành vi còn mập mờ về dấu hiệu lừa dối khách hàng của Nestlé Việt Nam trong sự vụ này. “Do đó, với hành vi này cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ, nếu có hành vi vi phạm thì xử theo quy định của pháp luật” - luật sư Hùng đề xuất.

“Việc vào cuộc điều tra sẽ giúp hạn chế sản phẩm được tiếp tục tung ra thị trường nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội” - luật sư Phát bổ sung.

Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát: Đây là hành vi lừa dối khách hàng!

Vụ sữa lúa mạch Nestlé Milo: Nestlé Việt Nam có lừa dối khách hàng hay không? - Ảnh 3

Thử nghiệm lâm sàng được đặt ra trong lĩnh vực y tế nhằm đảm bảo một phương pháp điều trị mới, một loại thuốc mới trước khi đưa vào áp dụng, sử dụng nó có tính đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tất nhiên trong thử nghiệm lâm sàng, không bao giờ có con số tuyệt đối 100%, nhưng mức độ của hiệu quả của nó cũng gần đạt đến con số này (phần nhỏ còn lại gọi là xác suất rủi ro).

Với các sản phẩm bổ sung như sữa lúa mạch Milo của Nestlé thì không đặt ra quy định về thử nghiệm lâm sàng, mà nó chỉ cần đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận dựa trên thành phần các chất có trong sữa, hàm lượng dinh dưỡng, năng lượng...

Tất nhiên, nếu họ làm tốt thông qua đề tài nghiên cứu khoa học (bằng chứng khoa học) thì nó sẽ thuyết phục hơn đối với người tiêu dùng cho những thông tin họ quảng cáo, in trên sản phẩm. Bởi người tiêu dùng tin rằng, họ đã áp dụng một quy trình đánh giá trong một thời gian dài thử nghiệm trên người tiêu dùng và nó đạt được hiệu quả như quảng cáo (tức số đông người tham gia thử nghiệm đã cho được một kết quả tốt hơn).

Như vậy, nếu việc tự hợp tác kiểm nghiệm của họ trước đó, khi đánh giá đề tài không cho ra kết quả đánh giá hiệu quả cụ thể ở từng hạng mục, mà lấy việc đánh lận câu chữ để đưa ra quảng cáo, in trên bao bì là hành vi lừa dối. Bởi họ dẫn chiếu về đề tài nghiên cứu, nhưng chính đề tài nghiên cứu lại không như quảng cáo, tức là lừa dối. Bởi người tiêu dùng không thể tiếp cận được đánh giá của đề tài nghiên cứu trước đó, người tiêu dùng chỉ tin là có đề tài và đề tài đã đạt kết quả tốt cho nội dung mà Nestlé quảng cáo, để từ đó người tiêu dùng tin và mua sử dụng sản phẩm cho con em của mình.

Đây không phải là hành vi quảng cáo gian dối, mà đây là hành vi lừa dối khách hàng. Bởi thông tin gian dối này đã được in trên sản phẩm hàng hóa để dẫn đến người tiêu dùng quyết định dùng sản phẩm và thực tế là nhiều người tiêu dùng đã dùng sản phẩm này.

Vì thế, theo tôi các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ nội dung gian lận này. Bởi họ là một công ty lớn, sản phẩm có sức lan tỏa và phổ biến khắp các nơi trên cả nước, sự ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng lớn. Việc vào cuộc điều tra sẽ giúp hạn chế sản phẩm được tiếp tục tung ra thị trường nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội.

Còn với Viện Dinh dưỡng, tôi nghĩ rằng cơ quan này nên công khai rõ ràng, đầy đủ kết quả nghiên cứu khoa học để dư luận được nắm rõ.

Luật sư Lê Trung Phát

Lê Xuân Thọ

Ngày Nay
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục