ACB cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, xuất hiện thêm một quỹ ngoại

Ngân hàng ACB cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, tính đến ngày 21/5. Đáng chú ý, ACB vừa ghi nhận sự xuất hiện của quỹ hưu trí quốc gia Malaysia là Employees Provident Fund Board (EPF) với tỷ lệ sở hữu hơn 1% vốn điều lệ.

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB - sàn HOSE) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, cập nhật đến ngày 21/5/2025, với sự xuất hiện đáng chú ý của một cái tên mới là Employees Provident Fund Board (EPF). Tổ chức này hiện nắm giữ hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,021% vốn điều lệ của ngân hàng.

Được biết, EPF thành lập vào năm 1951, hoạt động như một công ty quản lý quỹ, phục vụ khách hàng tại Malaysia. Công ty cung cấp quỹ hưu trí bắt buộc (retirement provident fund) và các dịch vụ tài chính khác.

Trước đó, thông tin từ Reuters cho biết CVC Capital Partners, một cổ đông lớn của ACB từ năm 2017, đang cân nhắc thoái vốn sau khi nhận được đề nghị từ các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các đối tác từ Nhật Bản.

Theo Reuters, giá trị cổ phần của CVC tại ACB có thể lên tới 200 triệu USD, dựa trên mức vốn hóa 4 tỷ USD của ngân hàng vào đầu năm 2024. Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại ACB luôn chạm mức tối đa 30% và là “rào cản” cho sự tham gia của một cổ đông chiến lược tới từ ngước ngoài. Việc EPF gia nhập danh sách cổ đông lớn cho thấy có thể một nhà đầu tư nước ngoài khác đã rút bớt vốn để “nhường chỗ”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu tháng 5/2025, ACB cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ có hai con của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch Công ty Cổ phần Âu Lạc là bà Nguyễn Thiên Hương JENNY và ông Nguyễn Đức Hiếu JONNY đã nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên 2,558% vốn điều lệ. Tính cả người liên quan, nhóm này hiện nắm giữ 7,825% vốn ngân hàng.

Theo dữ liệu công bố trước đó tại ngày 10/9/2024, hai cổ đông này nắm giữ tổng cộng 2,41% vốn ACB, trong đó bà Hương sở hữu 1,35% và ông Hiếu sở hữu 1,06%. Ngoài ra, người có liên quan đến hai cá nhân này khi đó cũng nắm giữ 126 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2,8% vốn điều lệ ACB.

Năm 2025, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái. ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ kỳ vọng đạt 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng là 673.596 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, trong khi cuối năm 2024 là 1,49%.

Kết thúc quý đầu năm nay, ACB đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. ACB cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế .

Tại thời điểm cuối quý 1/2025, quy mô tín dụng của ACB đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng quy mô huy động vốn của ACB, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với cuối năm 2024, còn 1,48%. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) trên 11%.

Tính đến cuối tháng 3/2025, vốn điều lệ của ACB đạt 44.667 tỷ đồng, giúp ngân hàng giữ vững vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ toàn ngành ngân hàng Việt Nam.

Gia Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục