Lợi nhuận lao dốc, Golden Gate - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam đi vay tới 700 tỷ đồng

Mặc dù số lượng cửa hàng gia tăng trong năm 2020 tuy nhiên lượng khách ghé thăm các chuỗi của Golden Gate lại sụt giảm mạnh. Lợi nhuận cũng giảm đến 80% so với cùng kỳ, xuống còn 65 tỷ đồng.

Lợi nhuận lao dốc, Golden Gate - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam đi vay tới 700 tỷ đồng - Ảnh 1

Vay tới 700 tỷ đồng trái phiếu

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) mới đây đã thông qua nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong thời gian từ ngày 6/9 - 16/9. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Tài sản đảm bảo là cổ phần công ty, tối thiểu tương đương 160% tổng khoản gốc trái phiếu phát hành.

Số tiền thu được từ đợt phát hành nhằm thực hiện các dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động. Lãi suất danh nghĩa 11,5% mỗi năm; kỳ trả lãi 3 tháng/lần. Trái phiếu có thể được mua lại sau 1 năm kể từ ngày phát hành.

Thành lập từ năm 2005, Golden Gate được coi là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Đến nay, Golden Gate đã sở hữu 22 thương hiệu nổi tiếng như GoGi, Kichi - Kichi, iSushi, Vuvuzela, Ashima… với 385 cửa hàng trên 40 tỉnh, thành.

Lợi nhuận “bốc hơi” 80%

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 buộc các doanh nghiệp ngành F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ ăn uống) phải đóng cửa hệ thống tại các địa phương thực hiện giãn cách trong đó Golden Gate cũng không ngoại lệ.

Mặc dù số lượng cửa hàng gia tăng trong năm 2020, tuy nhiên lượng khách ghé thăm các chuỗi của Golden Gate lại sụt giảm mạnh từ 18 triệu lượt xuống còn 15,6 triệu lượt. Con số này chỉ cao hơn đôi chút so với năm 2018, thời điểm chuỗi mới chỉ có 278 cửa hàng.

Năm 2020 cũng là lần đầu Golden Gate đứt chuỗi tăng trưởng sau nhiều năm với doanh thu đạt 4.559 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Giá vốn gần như không giảm trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thậm chí còn tăng khiến lãi ròng chỉ đạt 65 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 80% so với năm 2019, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát.

Các chi phí hoạt động không giảm thậm chí một số chi phí cho nhân công, chi phí thuê cửa hàng và nâng cấp còn tăng cho thấy quy mô của chuỗi Golden Gate dường như không bị ảnh hưởng.

Lợi nhuận lao dốc, Golden Gate - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam đi vay tới 700 tỷ đồng - Ảnh 2

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Golden Gate đạt 2.295 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng so với đầu năm. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ phải trả bao gồm cả các khoản nợ vay tài chính và nợ nhà cung cấp. Nợ vay ngắn hạn của Golden Gate tăng từ 367 tỷ đồng hồi đầu năm lên 452 tỷ đồng vào cuối kỳ.

Các khoản phải trả người bán tăng 123 tỷ đồng và tồn kho giảm 76 tỷ đồng giúp dòng tiền kinh doanh của Gloden Gate dương 247 tỷ đồng trong khi năm 2019 trước đó âm 171 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 323 tỷ đồng chủ yếu do cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (306 tỷ đồng).

Lợi nhuận giảm sâu trong khi quy mô không biến động nhiều khiến các chỉ tiêu sinh lời của Golden Gate co lại đáng kể. Biên lợi nhuận ròng bị thu hẹp từ mức 6,7% năm trước xuống còn 1,4% trong năm 2020. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cũng giảm mạnh từ 14,8% xuống còn 2,8% trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 26,3% xuống còn 5,5%.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp trong phần lớn thời gian của năm 2021 đặc biệt tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp HCM, nhiều khả năng kết quả kinh doanh của Golden Gate sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh. 

Gia Minh

Thanhtra
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục