Đến nay, chỉ còn 13 ngày nữa là đến thời hạn áp dụng của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có hiệu lực. Tính đến thời điểm này đã có tổng cộng 18 ngân hàng được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.
Các ngân hàng tăng vốn điều lệ trong năm 2019. Đvt: Tỷ đồng. (nguồn: VietstockFinance).
Các ngân hàng chạy nước rút
Lộ trình áp dụng Basel II được NHNN đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng từ ngày 1/1/2020 đối với 10 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB.
Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Cuối tháng 11/2018, VIB và Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN trao quyết định được áp dụng Basel II trước thời hạn. Từ đó tới nay, ngành ngân hàng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của nhóm các NHTM cổ phần tư nhân và một số ngân hàng nước ngoài trong việc chạy nước rút để tuân thủ chuẩn Basel II.
Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này đã có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, bao gồm: Vietcombank, OCB, VIB, MB, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HD Bank, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, SeABank, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank, BIDV. Trong số đó, thậm chí đã có trường hợp áp dụng thành công cả ba trụ cột Basel II sau một năm được chấp thuận áp dụng sớm Thông tư 41.
Như vậy, trong số 10 ngân hàng được chọn triển khai thí điểm Basel II theo Công văn 1601/NHNN-TTGSNH của NHNN ban hành ngày 17/03/2014, thì còn 2 ngân hàng chưa được cho phép áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN là VietinBank và Sacombank.
Đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến NHNN trước ngày 01/01/2020, nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41, chậm nhất kể từ ngày 01/01/2023 (được quy định trong Thông tư 22/2019/TT-NHNN ban hành ngày 15/11/2019).
Việc NHNN kéo dài thời gian áp dụng Basel II được xem là một giải pháp để tránh việc các ngân hàng phải chạy đua huy động nguồn vốn cấp 2 như đã từng diễn ra trong năm nay.
Đặc biệt, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ đang chạy nước rút để tuân thủ Basel II thì ngân hàng lớn như Agribank vẫn đứng ngoài cuộc và chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.
Agribank vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi Basel II
Ảnh minh họa
Thông tư 41 ban hành từ 2016, đó là khoảng thời gian dài để các ngân hàng chuẩn bị. Nhưng với Agribank, có lẽ dù có kéo dài thêm nữa, sự chuẩn bị về vốn cũng thụ động. Bởi mô hình đặc thù, hoàn toàn của Nhà nước nên Agribank không có tên trong kế hoạch phân bổ vốn trung hạn từ ngân sách mà Quốc hội đã định.
Nhà nước nắm 100% vốn của Agribank, trong nhiều năm liền ngân hàng cũng không được phép giữ lại lợi nhuận, nhà băng chỉ có thể tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Tính đến cuối tháng 6/2019, vốn điều lệ của Agribank là 30.496 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" NHTM.
Nếu không đúng hẹn với Basel II, thông thường theo quy định Agribank sẽ bị hạn chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thậm chí hạn chế trong cấp phép các hoạt động mở rộng mới… Quan trọng hơn, khi nhiều thành viên trong hệ thống đúng hẹn, qua đó có điều kiện để tiến lên, mà Agribank không đáp ứng được đồng nghĩa với tụt lại và mất thị phần, mất khách hàng.
Hiện tại, tiến độ cổ phần hóa Agribank bị chậm. Năm 2020, theo danh sách Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt, ngân hàng này phải thực hiện xong. Dù vậy, hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn sẽ đúng hẹn.
Basel II có ba trụ cột chính. Trụ cột một yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), trụ cột hai về rà soát giám sát và trụ cột ba về thực hiện các nguyên tắc thị trường. Áp dụng Basel II giúp tăng cường năng lực tài chính, tăng cường quản trị rủi ro cho ngân hàng nhưng để tuân thủ các chuẩn mực, đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng không chỉ về nhân lực, vật lực mà cả trình độ quản trị điều hành.
Hà Phương