Công ty Vimedimex thông tin toàn bộ năng lực, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị

Chiều 16-4, Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) đã có văn bản thông tin toàn bộ năng lực, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tính pháp lý… của đơn vị mình. Động thái này, Công ty Vimedimex mong muốn những ai cần quan tâm tới đơ

Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) là doanh nghiệp Nhà nước, được Bộ Y tế thành lập ngày 6-11-1984, cổ phần hóa ngày 30-1-2006 tại Quyết định số 335/QĐ - BYT và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010, mã cổ phiểu: VMD.

Công ty Vimedimex hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0300479760, ngày 12-6-2006. Vốn điều lệ của Công ty là 154.402.680.000 đồng, trong đó, vốn Nhà nước của Bộ Y tế sở hữu là 10,23% vốn điều lệ của Công ty. Trụ sở chính: 46-48 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Văn phòng giao dịch tại tầng 6, tòa nhà 246 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM. Tổng số nhân viên của Công ty Vimedimex, đến ngày 31-12-2020 là 2.025 người. Đảng ủy Công ty trực thuốc Đảng bộ khối doanh nghiệp thành phố Hà Nội với 42 Đảng viên chính thức và 7 Đảng viên dự bị. Về tính pháp lý và hoạt động sản xuất kinh doanh được thể hiện như sau:

Trụ sở Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex  
Trụ sở Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex  

I. Về vấn đề tăng vốn Điều lệ của Công ty Vimedimex

1. Quy định pháp luật về huy động vốn, tăng vốn Điều lệ trong Công ty cổ phần

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 77, Luật Doanh nghiệp năm 2005, "Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần".

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật Chứng khoán năm 2006, "Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, trong đó bao gồm cổ phiếu, trái phiếu".

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật Chứng khoán năm 2006, "cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành".

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 6, Luật Chứng khoán năm 2006, "Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành".

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 77, Luật Doanh nghiệp năm 2005, “Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn”.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 88, Luật Doanh nghiệp năm 2005, “Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, việc Công ty cổ phần phát hành chứng khoán là để thực hiện việc huy động vốn, tương ứng với việc tăng vốn điều lệ của công ty. Theo đó, việc tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần, theo hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, các loại chứng khoán khác là hoạt động hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật doanh nghiệp ghi nhận và bảo hộ. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, vấn đề tăng giảm vốn điều lệ được tiếp cận qua việc huy động vốn, phát hành chứng khoán, hoàn toàn không có quy định trực tiếp về tăng, giảm vốn điều lệ.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 168, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc sau đây:

“a) Thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò là người đầu tư vốn;

b) Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước;

c) Tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước;

d) Tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp;

đ) Thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn.”

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 49, Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05-02-2009 về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, quyền quyết định tăng, giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khác được quy định như sau:

“2. Đối với trường hợp Tổng công ty, công ty Nhà nước độc lập là đại diện chủ sở hữu phần vốn tại doanh nghiệp khác theo quy định tại khoản 2, Điều 43, Quy chế này thì Tổng công ty xem xét, quyết định trên nguyên tắc: người quyết định phương án đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác đồng thời là người quyết định bổ sung vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; hoặc quyết định giảm phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

3. Phương thức tăng, giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khác theo quy định của pháp Luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

4. Trường hợp doanh nghiệp khác tăng vốn mà công ty Nhà nước không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì báo cáo đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp Luật”.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 123 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Ban kiểm soát trong công ty cổ phần có các quyền và nhiệm vụ sau: “1. Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. 2. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính”.

Theo Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005, “2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (nếu có);

b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

đ) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, công ty cổ phần bắt buộc phải có ban kiểm soát. Ban kiểm soát thực hiện giám sát toàn bộ các hoạt động quản lí, điều hành, hoạt động kinh doanh của công ty. Sự tồn tại, quyền, nhiệm vụ của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần được quy định theo pháp luật, không phân biệt giữa các công ty cổ phần khác nhau, không phân biệt chủ thể sở hữu cổ phần khác nhau. Bên cạnh đó, cổ đông nhà nước trong Công ty Vimedimex hoàn toàn có quyền kiểm soát theo quy định của Luật doanh nghiệp.

2. Quy định của Điều lệ Công ty Vimedimex

Theo quy định tại điểm I, Khoản 2, Điều 14, Điều lệ Công ty Vimedimex, Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường thông qua và quyết định về các vấn đề: “i. Loại cổ phần và số lượng cổ phần mới được phát hành đối với mỗi loại cổ phần và việc chuyển nhượng cổ phần của thành viên sáng lập trong vòng ba năm đầu tiên kể từ ngày thành lập”.

Theo quy định tại Điểm h, Khoản 3, Điều 25 Điều lệ Công ty Vimedimex, Hội đồng quản trị có quyền: “h. Quyết định việc phát hành trái phiếu đối với trường hợp giá trị phát hành nhỏ hơn hoặc bằng 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất”.

Như vây, quy định của Điều lệ Công ty Vimedimex hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Từ đó, các hoạt động liên quan đến huy động vốn, chào bán cổ phiếu, các loại chứng khoán khác hoàn toàn minh bạch, chính xác, tuân thủ quy định pháp luật doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán.

3. Thực tế tăng vốn điều lệ của Công ty Vimedimex

Trên thực tế, việc tăng vốn điều lệ của Công ty Vimedimex được thực hiện thông qua các lần như sau:

3.1 Ngày 15-03-2007: Công ty Vimedimex thực hiện phát hành 271.244 trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu với mục đích đầu tư vào dự án Trung Tâm thương mại và dược phẩm văn phòng tại số 45 Võ Thị Sáu, Q1, TP. HCM. Việc phát hành trái phiếu này là có căn cứ pháp lý, bởi lẽ:

- Bộ Y tế và Tổng Công ty Dược Việt Nam là cơ quan đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty Vimedimex đã họp bàn và chấp thuận việc phát hành trái phiếu chuyển đổi vào ngày 24-10-2006. Đến ngày 16-11-2006, Bộ Y tế đã có công văn số 8687/BYT-KH-TC thống nhất chủ trương phát hành trái phiếu chuyển đổi của Công ty Vimedimex.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2007, nêu trên đã được Bộ Y tế và Tổng Công ty Dược Việt Nam là cơ quan đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty Vimedimex chấp thuận.

3.2 Tháng 7-2008: Công ty Vimedimex thực hiện tăng vốn điều lệ từ 49,41 tỉ lên 65,41 tỉ đồng thông qua phát hành 1,6 triệu cổ phiếu phổ thông theo hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình với mệnh giá 22.000 đồng/cổ phần, nhằm huy động vốn nộp tiền sử dụng đất đầu tư dự án xây dựng cao ốc văn phòng và siêu thị thuốc tại địa chỉ số 246 Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM. Việc tăng vốn điều lệ này phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của Công ty Vimedimex tại thời điểm đó, cụ thể:

- Ngày 02-07-2008, Hội đồng quản trị Công ty Vimedimex ban hành Nghị quyết số 940/NQ-HĐQT về việc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Theo đó quyết định thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình với số lượng cổ phần phân phối là 1,6 triệu cổ phần và thông qua việc phát hành ra công chúng: 825.200 cổ phần cho cổ đông hiện hữu và 124.800 cổ phần cho cán bộ, nhân viên Công ty Vimedimex;

- Lần tăng vốn này, công ty đã báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược ngày 12-12-2008.

Như vậy, có thể thấy rằng việc tăng vốn điều lệ trong lần này được Công ty Vimedimex thực hiện đúng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán.

3.3 Tháng 9-2009: Công ty Vimedimex thực hiện phát hành 1,6 triệu cổ phiếu ra công chúng qua đó tăng vốn điều lệ từ 65,41 tỉ đồng lên 81,41 tỉ đồng. Việc phát hành cổ phiếu lần này được thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty Vimedimex số 02/NQ-ĐHCĐ ngày 25-9-2009 và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về chứng khoán, cụ thể:

Ngày 10-12-2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng số 468/UBCK-GCN cho Công ty Vimedimex và sau khi thực hiện xong việc chào bán, Công ty Vimedimex đã gửi Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng ngày 08-0-/2010 tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3.4 Năm 2011: Phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 81.411.960.000VND lên 200.000.000.000 VND. Phương án phát hành:

a) Phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu:

- Số lượng: 81.141.196 cổ phiếu

- Tỷ lệ: 1:1 (cổ đông hiện hữu sở hữu 01 cổ phiếu thì được hưởng 01 quyền mua và cứ 01 quyền mua thì được mua 01 cổ phiếu mới)

- Giá chào bán: 15.000 (đồng/cổ phiếu)

- Quyền mua cổ phiếu phát hành thêm được tự do chuyển nhượng và chỉ được chuyển nhượng 01 lần

- Phương án xử lý số cổ phiếu lẻ và cổ phiếu không bán hết (nếu có):

Số lượng cổ phiếu phát hành được làm tròn xuống đến hàng đơn vị. Trong trường hợp cổ phiếu phát hành thêm không được mua hết và số cổ phiếu lẻ phát sinh sẽ do HĐQT quyết định đối tượng và giá chào bán phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông và Công ty (giá chào bán không thấp hơn chào bán cho các nhà đầu tư đã mua lần 1 của đợt phát hành này.)

b) Phát hành cổ phiếu cho CBNV của Công ty Vimedimex

- Số lượng: 407.058 cổ phiếu (chiếm 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty)

- Đối tượng: cán bộ nhân viên Vimedimex

- Giá phát hành dự kiến; 15.000 đồng/cổ phiếu

- Tiêu chí phân phối cho CBNV: căn cứ vào sự đóng góp của CBCNV đối với sự phát triển của Công ty, căn cứ trên thời gian công tác và chức vụ đảm nhiệm.

- Quyền mua cổ phiếu phát hành thêm được tự do chuyển nhượng và chỉ được quyền chuyển nhượng 01 lần

- Hạn chế chuyển nhượng: cổ phiếu phát hành cho cán bộ công nhân viên không bị hạn chế chuyển nhượng.

c) Phát hành cho đối tác chiến lược

- Số lượng: 3.310.550 cổ phiếu

- Giá phát hành dự kiến: 17.000 đồng/cổ phần

- Hình thức phát hành: đợt phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược thực hiện theo hình thức phát hành riêng lẻ.

- Hạn chế chuyển nhượng: 01 năm kể từ ngày phát hành

d) Kết quả phát hành:

- Có 307 cổ đông hiện hữu theo danh sách chốt ngày 19-01-2012 do Trung tâm Lưu ký Việt Nam gửi, được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với số lượng cổ phiếu là: 81.141.196 cổ phiếu.

- Có 395 cán bộ nhân viên công ty được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với số lượng: 407.058 cổ phiếu.

- Đối tác chiến lược được phân phối là: 3.310.550 cổ phiếu.

- Phân phối thành công là 299.072 cổ phiếu trong đó: cổ đông hiện hữu là 295.377 cổ phiếu, cán bộ nhân viên là 3.695 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu lẻ, cổ phiếu không phân phối là: 11.559.732 cổ phiếu. Hội đồng quản trị nhất trí thực hiện hủy bỏ số lượng cổ phiếu lẻ, cổ phiếu không phân phối được theo Biên bản họp hội đồng quản trị Công ty Vimedimex số 50/BB-VM ngày 14-03-2012. Sau lần phát hành vốn này, tổng số vốn điều lệ của Công ty Vimedimex tăng lên 84.402.680.000VND.

3.5 Năm 2016: Công ty Vimedimex phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2, cụ thể:

- Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 số 11/2016/NQ(ĐHĐCĐ)-VM ngày 15-04-2016, Đại hội đồng cổ đông nhất trí thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược;

- Theo Biên bản họp hội đồng quản trị số 12/BB-HĐQT ngày 12-05-2016, Hội đồng quản trị Công ty Vimedimex thống nhất thông qua việc chào bán riêng lẻ 7.000.000 cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Vimedimex 2 với thông tin cụ thể như sau:

+ Phát hành thành 02 đợt, mỗi đợt phát hành 3.500.000 cổ phiếu: Đợt 1: ngày 30-05-2016; Đợt 2: trước ngày 31-03-2017;

+ Loại cổ phiếu: Phổ thông – Hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày phát hành thành công.

+ Giá chào bán: 21.700 đồng

Tính đến ngày 30-06-2017, theo Quyết định số 232/QĐ-SGDHCM về việc thay đổi niêm yết ngày 30-06-2017, Công ty Vimedimex đã thực hiện niêm yết thành công số lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 theo đúng kế hoạch phát hành cổ phiếu đã được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua, theo đó, tổng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết là 15.440.268 cổ phiếu tương ứng với 154.402.680.000VND. Sau đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Công ty Vimedimex tăng lên mức 154.402.680.000VND.

Theo báo cáo định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa năm 2006 và số liệu báo cáo kiểm toán hợp nhất ngày 31-12-2020 thì:

- Giá trị doanh nghiệp/cổ phiếu tại thời điểm 30-6-2006 là 966.823.982.260 đồng, với 2.500.00 cổ phiếu thì giá trị doanh nghiệp/ cổ phiếu là: 386.730 đồng/cổ phiếu;

- Giá trị doanh nghiệp/cổ phiếu tại thời điểm 31-12-2020 là 8.305.837.889.260 đồng, với 15.440.268 cổ phiếu thì giá trị doanh nghiệp/ cổ phiếu là: 537.934 đồng/cổ phiếu

Như vậy, giá trị doanh nghiệp/ cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2020 gấp 1,39 lần, tương đương với tỷ lệ tăng 39% so thời điểm cổ phần hóa năm 2006. Cụ thể như sau:

Đơn vị: đồng

STT

Chỉ tiêu

Số liệu 30/06/2006

Số liệu 31/12/2020

A

Tài sản đang dùng

966.823.982.260

8.305.837.889.260

I

Tài sản cố định và đầu tư dài hạn

58.989.697.274

235.388.392.226

1

Tài sản cố định

11.952.581.280

136.690.371.938

a

Tài sản cố định hữu hình

11.809.650.736

117.179.803.541

b

Tài sản cố định vô hình

142.930.544

19.510.568.397

2

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

8.386.982.630

6.551.256.348

3

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang

38.650.133.364

19.676.550.955

4

Bất động sản đầu tư

-

72.470.212.985

II

Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn

907.834.284.986

8.070.449.497.034

1

Tiền

42.194.561.525

302.726.001.844

a

Tiền mặt tồn quỹ

762.633.200

255.730.266

b

Tiền gửi ngân hàng

41.431.928.325

175.807.751.984

c

Các khoản tương đương tiền

-

126.662.519.594

2

Các khoản phải thu

447.958.457.355

3.588.251.134.094

3

Vật tư hàng hoá tồn kho

414.378.140.118

3.877.176.392.918

4

Tài sản lưu động khác

2.546.613.214

271.080.968.178

5

Chi phí sự nghiệp

756.512.774

-

6

Đầu tư tài chính ngắn hạn

-

31.215.000.000

III

Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp

-

-

IV

Giá trị quyền sử dụng đất

-

-

A

Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp

966.823.982.260

8.305.837.889.260

số lượng CP (cổ phiếu)

2.500.000

15.440.268

Giá trị doanh nghiệp/cổ phiếu (đ/cp)

386.730

537.934

II. Chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích báo cáo tài chính Công ty Vimedimex năm 2020

1. Chỉ số Thanh toán

BẢNG TỔNG HỢP CHỈ SỐ THANH TOÁN

STT

Nội dung

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trung bình

1

Chỉ số thanh toán hiện hành

1,02

1,01

1,02

1,02

2

Chỉ số thanh toán nhanh

0,37

0,37

0,47

0,40

 

3

Chỉ số tiền mặt

0,03

0,03

0,04

0,04

4

Chỉ số dòng tiền từ hoạt động

0,05

0,05

0,02

0,04

5

Chỉ số vòng quay các khoản phải thu

4,74

5,81

5,67

5,41

6

Chỉ số ngày bình quân vòng quay các khoản phải thu

77,02

62,81

64,36

68,06

7

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

2,57

3,18

3,76

3,17

8

Chỉ số số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho

142,25

114,80

97,17

118,07

9

Chỉ số vòng quay các khoản phải trả

1,65

1,98

2,14

1,92

10

Chỉ số số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả

222

185

170

192,21

Theo số liệu báo cáo trên, có thể thấy khả năng thanh toán của công ty tốt và ngày càng tăng hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể như sau:

1.1 Chỉ số thanh toán hiện hành

Đây là chỉ số đo lường khả năng Vimedimex đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn.

Công thức tính: Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản lưu động/ Nợ ngắn hạn

Chỉ số này qua các năm của Vimedimex luôn lớn hơn >1 thể hiện việc Vimedimex luôn đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của mình đúng hạn.

1.2. Chỉ số thanh toán nhanh

Chỉ số thanh toán nhanh đo lường mức thanh khoản cao hơn.

Công thức tính: Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền + Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) / Nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán nhanh của Vimedimex từ năm 2018 đến 2020, chỉ số này tăng dần từ 0,37 lên 0,47 lần. Điều đó thể hiện khả năng thanh toán nhanh của công ty tốt và khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ đến hạn tăng dần.

1.3. Chỉ số tiền mặt

Chỉ số tiền mặt cho biết bao nhiêu tiền mặt và chứng khoán khả mại của Vimedimex để đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn.

Chỉ số tiền mặt = (Tiền mặt + Chứng khoán khả mại)/ Nợ ngắn hạn

Từ năm 2018 đến nay, chỉ số tiền mặt của Công ty luôn ở mức an toàn 3% nợ ngắn hạn và tăng lên 4% trong năm 2020.

1.4. Chỉ số dòng tiền từ hoạt động

Chỉ số dòng tiền hoạt động = Dòng tiền hoạt động/ Nợ ngắn hạn

Trong 3 năm liên tiếp, chỉ số dòng tiền hoạt động của công ty đạt trung bình là 4% nợ ngắn hạn, điều đó thể hiện khả năng thanh toán của công ty đối với các khoản nợ ngắn hạn với nguồn tiền từ hoạt động tương đối tốt.

1.5. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu

Đây là một chỉ số cho thấy tính hiệu quả của chính sách tín dụng mà Vimedimex áp dụng đối với các khách hàng.

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh số thuần hàng năm/ Các khoản phải thu trung bình

Trong đó: Các khoản phải thu trung bình = (Các khoản phải thu còn lại trong báo cáo của năm trước và các khoản phải thu năm nay)/2

Từ năm 2018 đến nay, vòng quay các khoản phải thu của công ty tăng dần từ 4,74 vòng lên tới 5,67 vòng trong năm 2020. Cùng với việc doanh thu của công ty tăng trưởng ổn định thì chứng tỏ khả năng thu hồi công nợ của công ty tốt, đảm bảo sự an toàn về tài chính của công ty.

1.6. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu

Theo quy định tại tại mục số ĐKC 15.1, chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng, phần 2, phụ lục 7 và phụ lục 8 thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11-07-2019 quy định:

Phương thức thanh toán: căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này.

Việc thanh toán cho nhà thầu có thể quy định thanh toán bằng tiền mặt, thư tín dụng, chuyển khoản … số lần thanh toán là nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng.

Thời hạn thanh toán trong vòng 90 ngày kể từ khi nhà thầu xuất trình đầy đủ các chứng từ theo đúng qui định của pháp luật. Đồng thời, cần quy định cụ thể về chứng từ thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật.”

Cũng tương tự như vòng quay các khoản phải thu, có điều chỉ số này cho Công ty Vimedimex biết về số ngày trung bình mà Vimedimex thu được tiền của khách hàng

Số ngày trung bình = 365/ Vòng quay các khoản phải thu.

Tương tự với vòng quay các khoản phải thu của công ty tăng dần nên số ngày bình quân của một vòng quay khoản phải thu của công ty trung bình là 68 ngày. Với một công ty phân phối dược phẩm thông qua hình thức đấu thầu cung ứng thuốc vào các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, đây là con số khá lý tưởng khi công nợ phải thu của bệnh viện trung bình 90 ngày, điều đó chứng tỏ khả năng thu hồi công nợ của công ty rất tốt.

1.7. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Theo quy định tại mục số CDNT 5.3 Tính hợp lệ của nhà thầu, chương II, phần 1, phụ lục 7 và phụ lục 8 thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11-07-2019

“CDNT 5.3.Tài liệu, thông tin chứng minh về tính hợp lệ của thuốc dự thầu:

Đối với trường hợp mặt hàng thuốc tham dự thầu có giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu hết hạn hiệu lực hoặc hết thời hạn gia hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu cần cung cấp các tài liệu chứng minh thuốc được sản xuất (đối với thuốc sản xuất tại Việt Nam) hoặc nhập khẩu (đối với thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam) trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu hoặc thời hạn gia hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành và đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu như yêu cầu bổ sung thẻ kho thể hiện xuất nhập tồn mặt hàng thuốc dự thầu và hóa đơn mua vào, bán ra tương ứng.

Đối với trường hợp giấy phép GMP hết hiệu lực trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu cần cung cấp các tài liệu chứng minh thuốc được sản xuất trong thời hạn hiệu lực của GMP và đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu như yêu cầu bổ sung thẻ kho thể hiện xuất nhập tồn mặt hàng thuốc dự thầu và hóa đơn mua vào, bán ra tương ứng”.

Vì vậy, chỉ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ cung ứng đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh.

Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán/ Hàng tồn kho trung bình

Trong đó: Hàng tồn kho trung bình = (Hàng tồn kho trong báo cáo năm trước + hàng tồn kho năm nay)/2

Theo bảng dữ liệu phân tích ở trên thì chỉ số vòng quay hàng tồn kho của công ty tăng dần từ 2,57 (năm 2018) lên tới 3,76 vòng trong năm 2020 (tức tăng 46% so với năm 2018). Qua đó ta thấy khả năng quản lý hàng tồn kho của công ty ngày càng tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

1.8. Chỉ số, số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho

Tương tự như vòng quay hàng tồn kho có điều chỉ số này quan tâm đến số ngày.

Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho = 365/ Vòng quay hàng tồn kho

Cũng tương tự như chỉ số vòng quay hàng tồn kho, do hoạt động quản lý của công ty ngày càng hiệu quả, do vậy, số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho của công ty giảm từ 142 ngày (trong năm 2018) xuống còn 97 ngày (trong năm 2020) tương đương giảm 32% so với năm 2018. Điều đó giúp công ty cắt giảm nhiều chi phí không cần thiết, tăng kết quả kinh doanh trong năm 2020.

1.9. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả

Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên/ Phải trả bình quân

Trong đó: Doanh số mua hàng thường niên = Giá vốn hàng bán+hàng tồn kho cuối kỳ – Hàng tồn kho đầu kỳ

Phải trả bình quân = (Phải trả trong báo cáo năm trước + phải trả năm nay)/2

Vòng quay các khoản phải trả của công ty tăng dần qua các năm từ 2018 đến năm 2020 lần lượt là 1,65; 1,98 và 2,14 (tăng 30% so với năm 2018). Điều đó chứng tỏ công ty đã sử dụng chính sách tín dụng của các nhà cung cấp ngày một hiệu quả hơn.

1.10. Chỉ số, số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả

Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả = 365/ Vòng quay các khoản phải trả

Số ngày bình quân các khoản phải trả nhà cung cấp của công ty giảm dần từ 222 ngày (năm 2018) xuống còn 170 ngày (năm 2020) tương đương giảm 23% so với năm 2018. Như vậy, thể hiện khả năng thanh toán của công ty ngày một tốt hơn, các nhà cung cấp càng tin tưởng hơn và nâng cao uy tín cho công ty Vimedimex.

2. Chỉ số hoạt động

Căn cứ theo số liệu báo cáo tài chính kiểm toán của công ty, hiệu quả sinh lời của công ty tốt và các chỉ số đánh giá ngày càng tăng qua các năm. Cụ thể như sau:

STT

Nội dung

DVT

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trung bình

1

Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)

%

0,34%

0,34%

0,43%

0,4%

2

Biên lợi nhuận gộp

%

9,22%

8,17%

8,29%

8,6%

3

Tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần thường (ROCE)

%

9,10%

8,78%

9,93%

9,3%

4

EPS (đ/cổ phiếu)

2.139,56

2.072,33

2.418,98

2.210,29

5

Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn cổ phần (ROE)

%

9,68%

9,40%

10,62%

9,9%

6

Tỷ suất dòng tiền tự do

%

86,36%

88,80%

83,20%

86,1%

2.1 Tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA)

ROA = Thu nhập sau thuế/ Tổng tài sản trung bình

Trong đó: Tổng tài sản trung bình = (Tổng tài sản trong báo báo năm trước + tổng tài sản hiện hành)/2

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA): Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân.

Hệ số này phản ánh: 1 đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng LNST? Hay hiệu quả sử dụng tài sản của Vimedimex ra sao? Thông thường, ROA càng cao càng tốt. ROA cao thể hiện việc Vimedimex quản lý hiệu quả chi phí khấu hao, chi phí đầu vào tốt. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của công ty năm 2020 đạt 0,43% (tăng 26% so với năm 2019) thể hiện sự cố gắng cắt giảm chi phí hiệu quả của ban lãnh đạo công ty trong hoàn cảnh nền kinh tế năm 2020 gặp nhiều khó khăn.

2.2. Tỷ suất lợi nhuận gộp (hay Biên lợi nhuận gộp): Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần

Từ 1 đồng doanh thu thuần, Vimedimex thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp” đây chính là ý nghĩa của chỉ số này. Chỉ số này phản ánh hiệu quả của việc quản lý chi phí trong kinh doanh của Vimedimex (nguyên liệu, nhân công,..), khả năng tạo ra lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của Vimedimex trên thị trường. Vimedimex duy trì một biên lợi nhuận gộp cao, ổn định qua nhiều năm thường là có lợi thế cạnh tranh tốt, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty qua các năm tương đối ổn định ở mức trên 8% và năm 2020 vừa qua, tỷ suất này đạt 8,3% (tăng 2% so với năm 2019).

2.3. Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần thường (ROCE)

a) Đo lường khả năng sinh lợi đối với các cổ đông thường không bao gồm cổ đông ưu đãi.

ROCE = (Thu nhập ròng – Cổ tức ưu đãi)/ Vốn cổ phần thường bình quân

Trong đó: Vốn cổ phần thường bình quân = (Vốn cổ phần thường trong báo cáo năm trước + vốn cổ phần thường hiện tại)/2

Như số liệu bảng trên cho thấy, hiệu suất sinh lời trên vốn cổ phần của Công ty Vimedimex năm 2020 cao, đạt 9,93% (tương đương tăng 13% so với năm 2019). Qua đó cho thấy, sự hoạt động hiệu quả của công ty trong năm 2020 từ việc cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng lưu chuyển hàng tồn kho,.. để tăng lợi nhuận hoạt động.

b) EPS: (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cho cổ đông ưu đãi) / Số lượng cổ phần thường lưu hành.

Chỉ tiêu phản ánh: 1 cổ phần trong năm thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế? Hay còn gọi là chỉ số EPS.

Ví dụ EPS của NT2 năm 2020 đạt 2.768 đồng. Có nghĩa là: cứ mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ nhận được 2.768 đồng LNST.

EPS cao phản ánh năng lực kinh doanh của Vimedimex mạnh. Vimedimex có tiền để trả cổ tức cho cổ đông nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải cứ cổ phiếu có EPS cao là đáng mua.

Do tình hình hoạt động của công ty năm 2020 hiệu quả hơn nên chỉ tiêu EPS cũng tăng đáng kể từ 2.072 đ/cp năm 2019 lên tới 2.419 đ/cp năm 2020 tương đương tăng 17% so với năm trước.

2.4. Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn cổ phần (ROE)

a) Đo lường khả năng sinh lơị đối với cổ phần nói chung, bao gồm cả cổ phần ưu đãi.

ROE = Thu nhập ròng/ Tổng vốn cổ phần bình quân

Trong đó: Vốn cổ phần bình quân= (Tổng vốn cổ phần năm trước+ tổng vốn cổ phần hiện tại) / 2

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE): Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân.

Hệ số này thể hiện: mức LNST thu được trên mỗi 1 đồng vốn chủ bỏ ra trong kỳ. ROE càng cao, thể hiện hiệu quả trong việc sử dụng vốn chủ càng cao. Chỉ số này phản ánh tổng hợp các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính, trình độ quản trị chi phí, trình độ quản trị tài sản, trình độ quản trị nguồn vốn của Vimedimex.

Chỉ tiêu ROE của công ty ổn định và khá cao qua nhiều năm. Năm 2020 chỉ tiêu này đạt 10,62% tương đương tăng 13% so với năm 2019.

2.5. Tỷ suất dòng tiền tự do: Dòng tiền tự do / Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD

Tỷ suất này phản ánh chất lượng dòng tiền của Vimeidmex. Dòng tiền tự do phản ánh số tiền sẵn có nhằm sử dụng cho các hoạt động của Vimeidmex.

Trong đó: Dòng tiền tự do (Free Cashflow) = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD – Dòng tiền đầu tư cho TSCĐ.

Vimedimex phải trừ đi Dòng tiền cho hoạt động đầu tư TSCĐ, bởi vì: Dòng tiền đầu tư TSCĐ được xem như là để duy trì lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của Vimedimex.

Tỷ suất dòng tiền tự do của công ty lớn, ổn định trên 80%, năm 2020, tỷ lệ này đạt 83,2%. Như vậy, chứng tỏ tình hình tài chính của Vimedimex càng tích cực.

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA VIMEDIMEX

STT

Hiệu quả hoạt động

DVT

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trung bình

1

Vòng quay tổng tài sản

Vòng

1,5786

1,9453

2,0962

1,87

2

Vòng quay tài sản cố định

Vòng

116,2890

101,5508

88,6219

102,15

3

Vòng quay vốn cổ phần

Vòng

98,3139

118,1272

117,5011

111,31

3. Vòng quay tổng tài sản

Chỉ số này đo lường khả năng Vimedimex tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng tài sản. Chỉ số này bằng 3 có nghĩa là: với mỗi đô la được đầu tư vào trong tổng tài sản, thì công ty sẽ tạo ra được 3 đô la doanh thu. Các doanh nghiệp trong ngành thâm dụng vốn thường có chỉ số vòng quay tổng tài sản thấp hơn so với các Vimedimex khác.

Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu thuần/ Tổng tài sản trung bình

Từ những yếu tố phân tích ở trên, do hoạt động kinh doanh của công ty ngày một hiệu quả hơn nên vòng quay tổng tài sản của công ty tăng dần từ 1,57 vòng (năm 2018) tăng lên 2,09 vòng trong năm 2020 (tăng 33% so với năm 2018).

3.1. Vòng quay tài sản cố định

Cũng tương tự như chỉ số vòng quay tổng tài sản chỉ khác nhau và với chỉ số này thì chỉ tính cho tài sản cố định

Vòng quay tài sản cố định = Doanh thu thuần/ Tài sản cố định trung bình

Do doanh thu của công ty rất lớn nên vòng quay tổng tài sản của công ty cao, năm 2020 chỉ tiêu này đạt 88,6 tức 1 đồng tài sản cổ định tạo ra được 88,6 đồng doanh thu. Chứng tỏ hiệu quả hoạt động của công ty rất tốt.

3.2 Vòng quay vốn cổ phần

Chỉ số này đo lường khả năng Vimedimex tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng vốn cổ phần (bao gồm cổ phần thường và cổ phần ưu đãi).

Vòng quay vốn cổ phần của công ty qua các năm đều duy trì ở mức cao. Trong năm 2020 đạt 117,5 (tương đương tăng 20% so với năm 2018) điều đó có nghĩa là 1 đồng vốn cổ phần tạo ra được 117,5 đồng doanh thu.

Như vậy, có thể khẳng định, tình hình tài chính của công ty Vimedimex tốt thể hiện: Khả năng thanh toán của công ty luôn đảm bảo thanh toán tốt các khoản nợ đến hạn. Các chỉ tiêu hoạt động hiệu quả tăng dần qua các năm. Tỷ lệ sinh lời tăng dần của các năm.

4. Công ty Vimedimex đóng góp cho Ngân sách Nhà nước hàng năm

Theo đó, số tiền thuế Vimedimex đóng góp cho Ngân sách nhà nước hàng năm là rất lớn, gấp nhiều lần so với tổng vốn góp của chủ sở hữu (năm 2018 gấp 5,26 lần, năm 2019 gấp 5,55 lần, năm 2020 gấp 3,65 lần).

Việc đơn vị kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận, chi trả cổ tức đầy đủ với tỷ lệ cao. Đồng thời đóng góp tiền thuế lớn vào Ngân sách nhà nước là rất tốt. Nếu so sánh với nguồn thu dựa trên tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại Vimedimex thì số tiền thuế này lớn hơn rất nhiều. Năm 2018, nộp ngân sách là 811.760.601.352 đồng. Năm 2019, nộp ngân sách 856.864.821.176 đồng. Năm 2020, nộp ngân sách 1.901.712.207.765 đồng.

III. Đối với hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex 2

Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 được thành lập theo giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần số: 2300838413 do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp ngày 24/3/2014 và thay đổi lần thứ 8 ngày 16-3-2018, với ngành nghề kinh doanh chính Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng; Kinh doanh bất động sản, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, có địa chỉ tại Lô đất N2, đường TS 6, khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

1. Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất NonBetalactam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO

Đầu tư mua xưởng sản xuất NonBetalactam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cho Dây truyền thuốc rắn phân liều dùng đường uống: (1) Viên nén, viên nén bao phim, (2) Viên nang cứng, (3) Thuốc bột cốm tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

2. Đầu tư xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-EU

- Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất NonBetalactam đạt tiêu chuẩn GMP-EU: Dây truyền thuốc rắn phân liều dùng đường uống: (1) Viên nén, viên nén bao phim, (2) Viên nang cứng, (3) Thuốc bột cốm; Dây truyền thuốc tiêm truyền: (1) Dây chuyền thuốc tiêm thể tích nhỏ: tích hợp dung dịch tiêm đóng ống, dung dịch tiêm đóng lọ và Bôt đông khô; (2) Dây chuyền dung dịch tiêm thể tích lớn chai dịch truyền chính thức đi vào sản xuất vào ngày 30-3-2022.

- Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP-EU: Dây chuyền thuốc rắn phân liều đường uống: (1) Viên nén, viên nén bao phim, (2) Viên nang cứng (3) Thuốc bột cốm; Dây truyền thuốc tiêm bột đóng lọ (01). Dự kiến xưởng Cephalosporin, chính thức đi vào sản xuất ngày 07/05/2022, sản xuất cho 48 thuốc Cephalosporin đủ 4 thế hệ, đủ các dạng bào chế sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trong cộng đồng cũng như các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất thuốc ung thư đạt tiêu chuẩn GMP-EU: Dây chuyền thuốc rắn phân liều đường uống: Viên nén, viên nén bao phim cho 20 thuốc ung thư chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Công ty FormaPharm Engineering Group đến từ Cộng hòa Sécbi là đơn vị tư vấn nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP – EU, được tích hợp trên nền tảng Công nghệ phần mềm Siemens SIMATIC PCS 7, phần mềm ứng dụng Oracle quản lý phòng thí nghiệm LIMS. Nghiên cứu kỹ thuật bào chế mới, hiện đại, cùng với việc nhập khẩu nguyên liệu theo hướng phát triển các kỹ thuật phân lập, hoạt chất có tác dụng, có hàm lượng cao hoặc tinh khiết, phục vụ sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và quản lý, lưu hành trên thị trường đáp ứng yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn Dược điển Anh, Dược điển Mỹ, Dược điển Châu Âu, Dược điển Nhất Bản trong hồ sơ đăng ký và Bộ y tế cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường. Phát triển đầu tư sản xuất các sản phẩm thuốc mới, các kỹ thuật bào chế hiện đại theo hình thức chuyển giao công nghệ… khi thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền được gọi là thuốc generic.

3. Tổng mức đầu tư

Với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.596 tỷ đồng, đây là nhà máy sản xuất tân dược hiện đại được đầu tư những công nghệ tiên tiến trên thế giới và được kiểm định để được chứng nhận tiêu chuẩn GMP-EU. Để chuẩn bị cho việc sản xuất thuốc tân dược có nguồn gốc là thuốc Generic theo tiêu chuẩn GMP EU, năm 2018, Vimedimex Group đã ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ 623 sản phẩm thuốc generic.

4. Đánh giá chứng nhận GMP –EU và đi vào hoạt động

Thời gian dự kiến hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động Quý II năm 2022 cho xưởng Nonbetalactam và Quý 4 năm 2022 cho xưởng Cephalosporin và Quý I năm 2023 cho xưởng sản xuất thuốc ung thư.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay Công ty Vimedimex 2 đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

PV

Phapluatxahoi
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục