'Biết rõ hàng giả vẫn livestream, quảng bá có thể bị xử lý hình sự'

Theo chuyên gia, các cá nhân cố ý livestream, quảng bá, bán hàng giả dù biết rõ bản chất của sản phẩm không chỉ đối diện với nguy cơ xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ xác định có yếu tố gian dối, trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body là hàng giả?

Theo phân tích của TS. Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, căn cứ Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa có thể bị xác định là hàng giả về công dụng hoặc chất lượng nếu công dụng không đúng với thông tin đã công bố, hoặc khi các chỉ tiêu chất lượng chính đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn đăng ký, công bố hoặc ghi trên bao bì.

Đối với sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, theo kết quả kiểm nghiệm, mẫu sản phẩm này chỉ đạt chỉ số chống nắng (SPF) là 2,4, trong khi thông tin ghi trên nhãn sản phẩm là SPF 50, tức chỉ đạt mức 4,8% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn sản phẩm. Đồng thời, theo tiêu chuẩn hiện nay thì chỉ số SPF trong kem chống nắng phải đạt mức thấp nhất là 15 và cao nhất là 100 nhằm đảm bảo giá trị sử dụng, công dụng của kem chống nắng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số SPF trong sản phẩm trên chỉ là 2,4, tức chỉ đạt mức 16% so với mức độ yêu cầu tối thiểu của sản phẩm kem chống nắng thông thường.

"Dựa vào những quy định nêu trên, có căn cứ để xác định sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body là hàng giả về công dụng, chất lượng, thuộc đối tượng tác động của Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự (BLHS))", TS. Trần Thanh Thảo cho hay.

'Biết rõ hàng giả vẫn livestream, quảng bá có thể bị xử lý hình sự' - Ảnh 1

Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (dạng hộp, 1 tuýp 100g) sau khi kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số chống nắng (SPF) thực tế chỉ đạt 2,4, thấp hơn nhiều so với mức SPF 50 ghi trên nhãn sản phẩm.

Theo nhãn sản phẩm, lô hàng có số tiếp nhận PCB: 779/24/CBMP-ĐN; số lô: 0010125; ngày sản xuất: 060125; hạn dùng: 050127. Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (TPHCM); Công ty TNHH EBC Group - nay là Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai- (KCN Giang Điền, Đồng Nai) sản xuất.

Kết quả kiểm nghiệm được thực hiện bởi Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM cho thấy chỉ số SPF của mẫu thử chỉ đạt 2,4 – tương đương 4,8% so với chỉ số ghi trên nhãn (SPF 50), và chỉ đạt 16% so với mức SPF tối thiểu 15 theo tiêu chuẩn thông dụng đối với sản phẩm chống nắng. Trong khi đó, nội dung trong phiếu công bố sản phẩm không ghi nhận tính năng có chỉ số SPF 50 như được in trên bao bì lưu hành thực tế.

Liên quan vụ việc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế địa phương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm ngừng lưu hành lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, giám sát thu hồi, tiêu hủy và xử lý các đơn vị vi phạm. Hai công ty VB Group và EBC Đồng Nai có trách nhiệm thông báo thu hồi tới các nhà phân phối, tiếp nhận sản phẩm trả lại và nộp báo cáo về Cục trước ngày 15/6. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, lô hàng buộc phải tiêu hủy.

Trước đó, một sản phẩm khác thuộc thương hiệu Hanayuki – dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) – cũng bị đình chỉ lưu hành do vi phạm giới hạn vi sinh vật và chứa thành phần không đăng ký trong công thức công bố.

Theo dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group là đơn vị sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Quốc Vũ.

Cố ý quảng bá hàng giả có thể bị xử lý hình sự

Cũng theo TS. Thảo, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2020 thì “sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả. Còn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 98/2020 thì “buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường.

Như vậy, việc thực hiện một hoặc tất cả các hoạt động để làm ra hàng giả như chế tạo, pha trộn, đóng gói… bị coi là hành vi sản xuất hàng giả theo quy định tại Điều 192 BLHS. Cũng theo quy định tại Điều luật này, việc thực hiện một hoặc tất cả các hoạt động để đưa hàng giả vào lưu thông trên thị trường như chào hàng, bán buôn, bán lẻ… thì bị coi là hành vi buôn bán hàng giả.

'Biết rõ hàng giả vẫn livestream, quảng bá có thể bị xử lý hình sự' - Ảnh 2

TS. Trần Thanh Thảo cũng cho hay, những trường hợp cố ý livestream, quảng bá, bán hàng dù biết rõ là hàng giả có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 BLHS. Nếu đồng thời thực hiện cả sản xuất và lưu thông, hành vi có thể cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Nhấn mạnh thêm quy định của Điều 192 BLHS, TS. Thảo cho biết để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, đòi hỏi hành vi phạm tội phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều này.

"Trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên (điểm a) hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên (điểm c)… Giá trị hàng giả càng cao hoặc số tiền thu lợi bất chính càng lớn sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này. Chẳng hạn hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc người phạm tội thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên thì người phạm tội có thể thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 192 BLHS). Nếu người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 192 BLHS thì họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này", TS. Trần Thanh Thảo nói.

Thành Nhân

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục