Công ty tài chính được ngân hàng 'bơm vốn' hàng nghìn tỷ đồng

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 4/2022, một số ngân hàng đang bơm hàng nghìn tỷ đồng cho các công ty tài chính trực thuộc dưới dạng vốn góp, các khoản tiền gửi và cho vay.

 

Nguồn ảnh: Internet.
Nguồn ảnh: Internet.

Năm 2022, nền kinh tế cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ… mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng.

Tính đến ngày 30/09/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (+13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm ~5% từ cuối tháng 06 đến cuối tháng 12 (6T22 tăng 9,5% so với đầu năm).

Ngân hàng đang bơm bao nhiêu tiền cho các công ty tài chính?

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2022 đã cấp phép hoạt động cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Trong đó, 3 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison (HD Saison) của HDBank và Công ty TNHH tài chính Mcredit (Mcredit) của MB.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 4/2022, tại thời điểm 31/12/2022, giá trị gốc khoản đầu tư vào FE Credit của VPBank hơn 5.576 tỷ đồng, tương đương 50% tỷ lệ sở hữu.

Ngoài khoản vốn góp trên, VPBank cũng tích cực hỗ trợ vốn lưu động cho FE Credit thông qua hoạt động cho vay và gửi tiền tại đây. Cụ thể, số liệu tính đến cuối tháng 12/2022 cho thấy, VPBank gửi 15.800 tỷ đồng đồng tiền gửi có kỳ hạn tại FE Credit, tăng tới 102% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, VPBank cũng có khoản phải thu  hơn 4.570 tỷ đồng từ FE Credit dưới dạng mua nợ từ công ty con.

Các giao dịch giữa VPBank và FE Credit. (Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 4 năm 2022)
Các giao dịch giữa VPBank và FE Credit. (Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 4 năm 2022)

Đối với Công ty TNHH tài chính Mcredit (Mcredit) của MB, theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 4/2022, tính đến cuối năm 2022, ngân hàng MB ghi nhận khoản góp vốn 400 tỷ đồng tại công ty tài chính này, tương đương 50% vốn điều lệ. Bên cạnh khoản vốn góp, ngân hàng MB cũng đẩy mạnh hỗ trợ thanh khoản cho Mcredit thông qua khoản tiền gửi lên tới 7.000 tỷ đồng tại đây, tăng 28% so với thời điểm đầu năm.

Các giao dịch giữa MB và Mcredit. (Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 4 năm 2022).
Các giao dịch giữa MB và Mcredit. (Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 4 năm 2022).

Vốn được ví là “con gà đẻ trứng vàng”, thế nhưng 2 năm trở lại đây, các ngân hàng liên tiếp công bố các thương vụ bán vốn, thậm chí thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng cho các đối tác nước ngoài.

Hồi đầu năm 2020, ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đã đàm phán thành công chuyển nhượng 50% vốn của công ty tài chính FCCOM cho Hyundai Card – Công ty phát hành thẻ tín dụng, thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi chiến lược đối tác khiến thương vụ này bất thành.

Trước đó, một loạt ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã bán vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, MB và HDBank bán 49% vốn điều lệ, còn Techcombank bán 100%.

Ngân hàng SHB cũng chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG Nhật Bản. Hiện ngân hàng MSB dự kiến bán toàn bộ cổ phần tại Công ty tài chính FCCOM. Đối tác chủ yếu là định chế tài chính đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Trang Bùi

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục