Quy định kinh doanh, chế tác vàng
Đối với doanh nghiệp, theo Tổng cục Thuế, căn cứ Điều 5, Điều 7, Điều 8, Điều 11 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì doanh nghiệp được phép kinh doanh đối với các hoạt động sau:
Doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Điều kiện để cấp giấy phép khi doanh nghiệp đáp ứng về nguồn vốn, kinh nghiệm hoạt động, số thuế đã nộp, mạng lưới chi nhánh theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ.
Doanh nghiệp được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, căn cứ Điều 7 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì cá nhân, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh chỉ được phép kinh doanh liên quan đến lĩnh vực vàng trong một số hoạt động sau:
Gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan (đồ trang sức, các chi tiết của đồ dùng, chi tiết kỹ thuật, chạm khắc sản phẩm như: dao, dĩa, thìa bát đĩa..., ấm chén, các chi tiết vệ sinh, các chi tiết trong văn phòng, các chi tiết sử dụng trong tôn giáo...; các chi tiết kỹ thuật hoặc thí nghiệm bằng kim loại quý, đồng hồ bằng kim loại (quý); cổ tay áo, dây đồng hồ, hộp thuốc lá; chạm khắc sản phẩm kim loại quý).
Quy định quản lý thuế
Tổng cục Thuế cho hay, theo khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định như sau: Cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng (VAT). Số thuế VAT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế VAT áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính về thuế VAT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có hoạt động gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan, bán buôn, bán lẻ đồ kim hoàn và chi tiết liên quan thực hiện quản lý thuế theo một trong hai phương pháp.
Phương pháp hộ khoán chỉ áp dụng đối với hộ có quy mô nhỏ, không thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn. Hộ khoán khai thuế một năm một lần và khai điều chỉnh bổ sung nếu có thay đổi quy mô kinh doanh từ 50% trở lên. Cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp theo năm và thực hiện điều chỉnh thuế khoán nếu hộ khoán có thay đổi quy mô kinh doanh từ 50% trở lên.
Hộ kê khai, áp dụng đối với hộ quy mô lớn và hộ xác định được doanh thu. Hộ kê khai khai thuế theo tháng hoặc quý và phải thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn.
Số thuế phải nộp của hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn bằng doanh thu tính thuế nhân với tỷ lệ tính thuế VAT, TNCN theo quy định.