Số công ty phải chịu áp lực tìm nguồn vốn sẽ tăng lên. Số vụ vỡ nợ sẽ tăng 10-30% so với năm 2019.
Năm 2021, số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt qua cả mức kỷ lục năm ngoái do chính sách tiền tệ bị thắt chặt gây áp lực lớn cho người đi vay, theo công ty chứng khoán China Merchants Securities.
Trong năm 2020, đã có 39 công ty Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu (cả nội địa và trái phiếu phát hành ở nước ngoài) với giá trị lên tới gần 30 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2019. Giá trị các vụ vỡ nợ trên thị trường nội địa giảm từ mức 142 tỷ nhân dân tệ của năm 2019 xuống còn 137 tỷ nhân dân tệ (tương đương 21 tỷ USD), trong khi con số ở nước ngoài tăng từ mức 3,9 tỷ USD lên 8,6 tỷ USD.
"NHTW sẽ triển khai chính sách tiền tệ thận trọng hơn trong năm nay", Yuze Li, chuyên gia phân tích tín dụng tại China Merchants Securities nhận định. "Số công ty phải chịu áp lực tìm nguồn vốn sẽ tăng lên. Số vụ vỡ nợ sẽ tăng 10-30% so với năm 2019".
Với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang có nhiều dư địa hơn để tập trung vào việc giảm khối lượng nợ trong hệ thống tài chính. Đó là 1 áp lực mới xuất hiện trở lại đối với các công ty Trung Quốc: trong 6 tháng cuối năm 2020, số vụ vỡ nợ trung bình mỗi tháng trên thị trường nội địa tăng 47% lên 13,6 tỷ nhân dân tệ, so với mức 9,2 tỷ trong nửa đầu năm.
Trong đó ngành công nghệ chiếm 28% tổng số vụ vỡ nợ trên thị trường nội địa trong năm 2020, dẫn đầu là vụ vỡ nợ của Peking University Founder Group. Theo sau là ngành tiêu dùng, trong đó có vụ vỡ nợ của công ty Brilliance Auto Group. Đứng thứ 3 là ngành tài chính.
Trên thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng USD, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 43% tổng số vụ vỡ nợ, theo sau là công nghệ và năng lượng. Lần đầu tiên trên thị trường trái phiếu nội địa có 5 công ty quốc doanh vỡ nợ, con số cao nhất kể từ 2016.
Trong 3 năm qua, tỉnh Thanh Hải có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất – 19,5%. Theo sau là Hải Nam, Liêu Ninh và khu tự trị Ninh Hạ với tỷ lệ 7%. Con số này thể hiện rõ những khu vực có nền kinh tế yếu hơn và công tác quản lý tài chính yếu kém hơn.
Trên thị trường hải ngoại, mối quan tâm lớn của nhà đầu tư trong năm nay sẽ là những trái phiếu "keepwell". Đó là điều khoản yêu cầu 1 công ty Trung Quốc phải cam kết giữ cho chi nhánh ở nước ngoài – cũng là nơi phát hành trái phiếu – không phá sản nhưng cũng không cần đảm bảo chi nhánh đó sẽ thanh toán cho các trái chủ. Thông thường công ty mẹ sẽ mua tài sản hoặc cổ phần ở công ty con như 1 cách để tài trợ cho các khoản thanh toán phát sinh từ số trái phiếu phát hành ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trong vụ vỡ nợ của Peking University Founder Group tháng 8 năm ngoái, công ty mẹ là Tsinghua Unigroup – nhà sản xuất chip được hậu thuẫn bởi trường ĐH Thanh Hoa danh giá – đã từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với 5 lô trái phiếu "keepwell". Một số nhà đầu tư đã đem vụ việc ra tòa.
Tham khảo Bloomberg
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết