Bài 2: Ngân hàng MSB Sài Gòn báo cáo gì cho Ngân hàng Nhà nước về việc bị “tố” bội tín

Trong bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM, Ngân hàng MSB Sài Gòn cho rằng, vì để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên, MSB đang rất tích cực và thận trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh.

 

Bài 1: Ngân hàng MSB ghi nhận nợ thuế, bị tố bội tín với khách hàng

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) – Chi nhánh Sài Gòn đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Tp.HCM để báo cáo về việc liên quan đến thực hiện nghĩa vụ đối với các thư bảo lãnh được MSB Sài Gòn thực hiện liên quan đến Công ty Lizen. 

Các bên chưa đạt được thỏa thuận 

Theo nội dung báo cáo, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn Đỗ Anh Đức cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ đối với các thư bảo lãnh được Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn (gọi tắt là: MSB Sài Gòn) phát hành theo đề nghị của Công ty CP THĐ 15 (gọi tắt là: Công ty THD15) đến Công ty CP Lizen (gọi tắt là Công ty Lizen).

Nội dung báo cáo cho biết, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2023, theo thỏa thuận giữa các bên, MSB phát hành các thư bảo lãnh hoàn tiền tạm ứng theo đề nghị của Công ty THD15 để đảm bảo cho nghĩa vụ hoàn tiền tạm ứng theo Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Lizen và Công ty THD 15. 

Trước đó, liên quan đến việc Công ty Lizen "tố" Ngân hàng MSB bội tín, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM đã có văn bản yêu cầu xem xét giải quyết sự việc
Trước đó, liên quan đến việc Công ty Lizen "tố" Ngân hàng MSB bội tín, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM đã có văn bản yêu cầu xem xét giải quyết sự việc

Tiếp đó, ngày 25/7/2023, Công ty Lizen gửi công văn đầu tiên yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đối với các khoản bảo lãnh hoàn tiền tạm ứng. Các thư bảo lãnh sẽ hết thời gian hiệu lực vào ngày 31/07/2023 nhưng 02 dự án chưa thi công xong và các bên đang tiếp tục phối hợp để hoàn thành, do đó Công ty THD15 đã làm việc với Công ty Lizen để yêu cầu gia hạn thư bảo lãnh. Song song với đó, ngày 8/8/2023, các bên đã tổ chức cuộc họp giữa MSB Sài Gòn, Công ty THD15 và Công ty Lizen để tìm phương án giải quyết. 

Đến ngày 17/08/2023, Công ty Lizen gửi công văn tới MSB Sài Gòn thông báo không đồng ý gia hạn bảo lãnh. Ngày 18/08/2023, Công ty THD15 gửi công văn cho Công ty Lizen và MSB Sài Gòn yêu cầu MSB Sài Gòn không được thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tương ứng với số tiền mà Công ty CP Lizen đề nghị do còn nhiều chi phí các bên chưa làm rõ. Dựa trên thông tin các bên cung cấp, ngày 22/08/2023, MSB Sài Gòn đã gửi công văn số 2208/2023/CV-MSB SGN-Lizen cho Công ty Lizen để khẳng định rằng MSB Sài Gòn vẫn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với các thư bảo lãnh đã phát hành. Tuy nhiên, vì Công ty Lizen và Công ty THD15 còn nhiều nội dung chưa thống nhất, nên đề nghị các bên làm rõ và thống nhất số liệu cần phải hoàn ứng để MSB Sài Gòn và Công ty THD15 phối hợp thực hiện đúng quy định. 

Cũng theo ông Đỗ Anh Đức, sau 02 lần Công ty THD15 gửi công văn cho Công ty Lizen yêu cầu họp 03 bên, đến ngày 30/08/2023, cuộc họp giữa Công ty THD15, Công ty Lizen và MSB Sài Gòn đã được tổ chức và Công ty Lizen, THD15 chưa đạt được thỏa thuận.

Đối chiếu số liệu chưa phù hợp 

Theo đó, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn Đỗ Anh Đức cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, vào tháng 2/2023 phía Công ty Lizen và Công ty THD15 đã có thỏa thuận với nhau về việc Lizen sẽ hỗ trợ THD15 trực tiếp ký một số hợp đồng với thầu phụ, đơn vị cung ứng vật tư trên cơ sở thống nhất giữa hai bên. Giá trị hàng hóa do Công ty Lizen cung cấp sẽ được giảm trừ vào giá trị thanh toán của Công ty Lizen cho các đợt thanh toán tiếp theo. Nhưng sau đó các bên chưa hoàn thiện được hồ sơ thanh toán các đợt tiếp theo, mặc dù công trình vẫn triển khai và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện. 

MSB Sài Gòn khẳng định chịu trách nhiệm với các thư bảo lãnh đã phát hành
MSB Sài Gòn khẳng định chịu trách nhiệm với các thư bảo lãnh đã phát hành

Đồng thời, việc Công ty Lizen đã tạm ứng tiền cho Công ty THD15 trên cơ sở bảo lãnh tạm ứng của MSB Sài Gòn, nhưng sau đó các bên lại có thỏa thuận về việc giao lại các hợp đồng ký mua vật tư, thầu phụ cho Công ty Lizen phụ trách ký trực tiếp mà không thông qua Công ty THD15, điều này làm ảnh hưởng đến việc giảm trừ giá trị bảo lãnh tạm ứng qua từng lần thanh toán, làm cho nghĩa vụ bảo lãnh không được giảm trừ đi theo đúng tiến độ thi công thực tế. 

Cũng theo ông Đỗ Anh Đức, thì nội dung khoản 1.2 điều 1 của hợp đồng kinh tế ký giữa Công ty Lizen và Công ty THD15 về thời hạn bảo lãnh thì thời hạn bảo lãnh có thể được gia hạn nếu Công ty Lizen nhận thấy tiền tạm ứng không thu hồi hết 100% giá trị khi hết thời hạn hiệu lực bảo lãnh. Trong trường hợp này, lẽ ra phía Công ty THD15 phải chủ động phối hợp cùng Công ty Lizen tìm ra phương án tạo dòng tiền hoàn thiện dự án, rồi sau đó các bên tính toán lại sổ sách, hiệu quả dự án rồi mới thu hồi tiền tạm ứng (nếu còn), trong thời gian này, hiệu lực của thư bảo lãnh sẽ tiếp tục được gia hạn cho đến khi kết thúc dự án hoặc thu hồi hết tạm ứng.

Bên cạnh đó, ông ông Đỗ Anh Đức cho rằng, nhằm thúc đẩy quá trình tháo gỡ vướng mắc, ngày 11/09/2023, đại diện MSB Sài Gòn đã làm việc với đại diện Công ty Lizen. Tại buổi làm việc, MSB Sài Gòn khẳng định chịu trách nhiệm với các thư bảo lãnh đã phát hành.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm đó, hai bên (Lizen và THD15) còn nhiều vấn đề bất đồng, chưa thống nhất. Vì vậy, để có thêm dòng tiền để hoàn thiện dự án, đồng thời, tránh các tranh chấp sau này giữa các bên, MSB Sài Gòn đề nghị với Công ty Lizen sẽ cùng làm việc với Công ty THD15 để thanh toán trước một khoản hoàn ứng tạm tính, sau đó các bên ngồi lại thống nhất con số hoàn ứng cuối cùng để MSB Sài Gòn có cơ sở thực hiện. Theo đó, ngày 12/09/2023, MSB Sài Gòn yêu cầu Công ty THD15 hoàn ứng trước 01 phần tạm ứng. 

Cũng theo ông Đỗ Anh Đức, sau thời gian phối hợp đối chiếu, đại diện Công ty Lizen đã gửi cho MSB Sài Gòn số liệu đối chiếu tạm tính của cả hai dự án tuy nhiên phần số liệu này chưa phù hợp nên chưa xác định được số tiền cần hoàn ứng. 

Đồng thời, sau khi nhận được số liệu đối chiếu, MSB Sài Gòn đã có buổi họp với công ty THD15, theo nội dung biên bản họp ngày 02/10/2023, phía Công ty THD15 cũng yêu cầu MSB tạm thời chưa thực hiện nghĩa vụ vì trong bảng đối chiếu còn nhiều số liệu chưa phù hợp. Nếu MSB vẫn thực hiện việc thanh toán bảo lãnh thì mọi tranh chấp phát sinh sau này, MSB phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Cho đến nay Công ty THD15 xác nhận vẫn đang tích cực phối hợp với Lizen để triển khai các công tác thi công hoàn thiện dự án. THD15 cam kết hoàn trả đầy đủ các khoản tạm ứng, khoản nợ (nếu còn) đối với Lizen sau khi các bên hoàn thiện công trình và công tác quyết toán số liệu với đầu tư được thực hiện xong.

MSB đang rất tích cực và thận trọng để giải quyết 

Đề cập đến việc thẩm định và phát hành chứng thư bảo lãnh cũng như thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan trong sự việc này, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn Đỗ Anh Đức cho biết, ngày 2/11/2023 và ngày 07/11/2023 Công ty THD15 gửi công văn 02 lần để mời Công ty tham gia họp để thống nhất số liệu công nợ các dự án để có cơ sở hoàn ứng, và vẫn chưa nhận phản hồi của Công ty Lizen. MSB vẫn đang chờ hai bên thống nhất lại số liệu công nợ để đưa ra số tiền hoàn ứng phù hợp. 

Theo đó, ông Đỗ Anh Đức khẳng định, việc MSB Sài Gòn thẩm định và phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty THD15 là đúng theo quy định của ngân hàng, pháp luật. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, MSB nói chung và MSB Sài Gòn nói riêng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo lợi ích hợp pháp của khách hàng. MSB Sài Gòn khẳng định có trách nhiệm đối với các thư bảo lãnh đã phát hành và có trách nhiệm hoàn trả tiền tạm ứng ngay khi các bên thống nhất được số liệu còn lại cần hoàn ứng. 

Đồng thời, MSB Sài Gòn cho rằng, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp đã lợi dụng tính chất “vô điều kiện” của thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành, từ đó chiếm dụng vốn của ngân hàng
Đồng thời, MSB Sài Gòn cho rằng, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp đã lợi dụng tính chất “vô điều kiện” của thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành, từ đó chiếm dụng vốn của ngân hàng

Mặt khác, ông Đỗ Anh Đức lại cho rằng, trong thời gian vừa qua, khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngành xây dựng, các chủ đầu tư, nhà thầu chính và nhà thầu phụ cũng bị ảnh hưởng theo. Trước tình hình này, có một số doanh nghiệp đã lợi dụng tính chất “vô điều kiện” của thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành, từ đó chiếm dụng vốn của ngân hàng. Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên, MSB đang rất tích cực và thận trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh. 

Và để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, MSB Sài Gòn đã có văn bản số 184/2023/CV-MSB SGN-LIZEN ngày 10/10/2023 đề nghị phía Công ty THD15 và Công ty Lizen phối hợp đối chiếu số liệu cụ thể trong phạm vi hợp đồng kinh tế. Đây là cơ sở để MSB Sài Gòn thực hiện nghĩa vụ đối với các thư bảo lãnh đã phát hành. MSB Sài Gòn đang đợi các bên gửi số liệu này. 

Tuy nhiên, đến nay phía Công ty Lizen và Công ty THD15 vẫn chưa có sự thống nhất, nên ngày 27/10/2023, MSB đã gửi công văn số 202/2023/CV-MSB SGN để mời các bên tham gia cuộc họp để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ. Vì tính chất quan trọng của cuộc họp, MSB đã mời cả đại diện Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc của hai công ty; phía MSB cũng có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao trong ngân hàng.

Thanh Quang

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục