Tin tức kinh doanh mới nhất về Ngân hàng TCMP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) trên tạp chí Mekong Asean, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 23/8 công bố quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu của nhà băng này.
Theo đó, nhằm bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, ngân hàng này sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng/trái phiếu.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành. Số lượng đợt phát hành dự kiến tối đa là 10 đợt, mỗi đợt tối đa 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu từ 1 – 5 năm. Thời điểm phát hành dự kiến từ ngày 1/8 - 31/12/2023.
Số tiền thu được từ các đợt phát hành được ABBank sử dụng để cho vay khác hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân là 4.5000 tỷ đồng, cho vay khách hàng doanh nghiệp là 1.500 tỷ đồng. Thời gian sử dụng nguồn vốn thu được dự kiến sẽ được thực hiện trước ngày 31/3/2024.
Tính từ giữa tháng 6/2023 đến nay, ABBank đã mua lại trái phiếu trước hạn 6 lần, tổng giá trị theo mệnh giá là 4.800 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu đều được phát hành vào tháng 6/2021 với thời hạn 3 năm dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS – UPCoM: ABW). Mục đích các đợt phát hành là để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay khách hàng doanh nhân và khách hàng doanh nghiệp của ABBank.
Về kết quả kinh doanh, chuyên trang eTimes dẫn số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 cho biết, ABBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 776,5 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 86,5 tỷ lên 154,6 tỷ đồng (tăng 79%), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận tăng mạnh, đạt hơn 4,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ 7,4 tỷ và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lãi gần 81 tỷ trong khi cùng kỳ lỗ tới hơn 11 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lại ghi nhận giảm từ 486,2 tỷ xuống còn 236,6 tỷ đồng (tương ứng giảm 51%).
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 12% lên hơn 550 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới gần 303%, từ 173 tỷ lên hơn 697 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế của ABBank đạt 67 tỷ và 52,5 tỷ, đều lao dốc mạnh lần lượt giảm tới 94%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, ABBank đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ABBank trong quý II, khiến lợi nhuận trước thuế luỹ chỉ ghi nhận con số 678 tỷ đồng. So với kế hoạch 2,826 tỷ đồng lãi trước thuế được đặt cho cả năm, ABBank thực hiện được 24% sau nửa đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank được kiểm soát ở mức 2,86%, đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN. Mặc dù nợ xấu của ABBank có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành, nhưng các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.