3 ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 3 ngân hàng đầu tiên là VPBank, ACB và VIB dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Theo đó, sau khoảng thời gian dài thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đến nay một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này.

Cụ thể, tại ngân hàng VIB, lãnh đạo đơn vị này cho biết sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Và nếu như phương án này được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, thì dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

VIB là ngân hàng luôn tổ chức họp ĐHĐCĐ sớm và thường hoàn thành việc chia cổ tức trong vòng 6 tháng đầu năm, nghĩa là các cổ đông của nhà băng này hoàn toàn có thể kỳ vọng sớm nhận được cổ tức trong vòng 6-7 tháng nữa.

Về kết quả kinh doanh của VIB, hết 10 tháng năm 2022 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 8.715 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 109% lợi nhuận của cả năm 2021, với hệ số ROE dẫn đầu ngành ngân hàng đạt 30% liên tiếp trong 3 năm. Tính đến cuối quý III, vốn chủ sở hữu của VIB đạt gần 30.478 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ gần 6.832 tỷ đồng

Cũng giống như VIB, hiện ngân hàng VPBank cũng đã công bố ý định chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Theo đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông năm 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Hội đồng quản trị VPBank dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi lên sàn vào năm 2017, VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu. Vì, ngân hàng này mới chỉ chia cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Được biết, việc VPBank thành công trong thương vụ bán FE Credit cho SMBC đã nâng quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất lên trên 100.000 tỷ đồng, lọt nhóm cao nhất thị trường. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ tính đến hết cuối quý III đạt hơn 40.600 tỷ đồng.

Tại ngân hàng ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt đó là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, ACB gấp rưỡi cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường trên 27%. Còn tỷ lệ nợ xấu quý III vẫn được đảm bảo ở mức 1%

Đến cuối tháng 9, ACB sở hữu khoản lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ ở mức gần 13.513 tỷ đồng; tổng vốn chủ hợp nhất đạt 55.735 tỷ đồng.

PV

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục