Chủ tài khoản ngân hàng Eximbank bị 'bốc hơi' 54 triệu đồng vì vào đường link lạ
Theo Dân trí đưa tin, bà Hồ Thị Đoan Trang (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết, chiều ngày 1/2 có một khách hàng gọi điện qua Zalo xác nhận đặt 300 ba lô mà công ty bà đã chào giá trước đó. Khách nói đang ở nước Anh và trời gần tối, cần chuyển tiền để kịp lấy hàng và hỏi số tài khoản để chuyển 15 triệu đồng tiền cọc.
Bà Trang cung cấp số tài khoản mở tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank và số điện thoại di động để vị khách liên lạc.
Khoảng 2 phút sau, họ gửi cho bà một đường link (có địa chỉ http://westerunion-vn24h.herokuapp.com), một mã số yêu cầu xác nhận để chuyển đổi tiền từ USD qua VND. Bà Trang làm theo hướng dẫn và đăng nhập vào trang web (có giao diện giống của Eximbank) nhập user name và password và thấy tự động có mã OTP về máy.
Vị khách lạ gửi đường link cho bà Trang và chỉ sau vài phút, bà Trang đã mất tiền trong tài khoản.
Khách hàng chưa kịp đọc mã này thì đã có tin nhắn của ngân hàng báo bị rút 36 triệu đồng từ tài khoản mở tại Eximbank Phú Mỹ. Sau đó một phút, tài khoản mở tại Eximbank Thanh Đa cũng báo bị rút 18 triệu đồng. Bà gọi lại cho khách kia thì họ đã khóa máy.
Ngay lập tức bà gọi tổng đài Eximbank nhờ hỗ trợ, ngân hàng đã tạm thời khoá tài khoản nhưng tiền trong tài khoản cũng đã hết sạch.
Qua xác minh ban đầu, tài khoản của bà đã bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng và chuyển tiền vào một tài khoản tên "Tran Ngoc Toan" mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo nhận định của Eximbank, khách hàng đã nhấp vào đường link giả do kẻ gian cung cấp khiến thông tin bị lộ, dẫn đến tài khoản bị mất tiền. Số tiền 54 triệu đồng được chuyển vào một tài khoản tại BIDV nên Eximbank không thể can thiệp khoá tài khoản này.
Do số tiền 54 triệu đồng được chuyển vào một tài khoản tại BIDV nên các ngân hàng và cảnh sát sẽ phối hợp làm rõ. Ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với bà Trang để tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất.
Năm 2020, hàng loạt những khó khăn chờ đợi MB
Tờ Trí thức trẻ đưa tin, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định nhanh về ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB).
Cụ thể, MB sẽ bị ảnh hưởng bởi 3 khó khăn chính. Thứ nhất, việc tăng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) phụ thuộc rất lớn vào tài chính tiêu dùng. Thứ hai, tăng trưởng thu nhập ròng từ hoạt động bảo hiểm chậm lại nhanh chóng, trong khi tăng trưởng của các khoản phí dịch vụ khác khá hạn chế. Thứ ba, tỷ lệ hình thành nợ xấu cao và tăng trưởng chi phí dự phòng mạnh do khẩu vị rủi ro cao hơn.
Trong khi đó, ngân hàng vẫn có một số điểm thuận lợi khi tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, hệ số CASA duy trì ở mức cao và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Những thuận lợi này vẫn đủ khả năng giúp MBB duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cao khoảng 25% trong năm 2020.
VDSC nhấn mạnh NIM của MB đang được mở rộng nhờ tăng trưởng mạnh về cho vay tài chính tiêu dùng. Cụ thể, cơ cấu cho vay hợp nhất năm 2019 của ngân hàng này tiếp tục chuyển sang cho vay bán lẻ với mức tăng trưởng cho vay bán lẻ lên đến 32,8% so với cùng kỳ, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng 16,6% của tổng danh mục cho vay.
Tính đến cuối năm 2019, tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 40,5%, cho vay doanh nghiệp SME chiếm 42,8% và cho vay doanh nghiệp lớn chiếm 11,3%.
Theo MB, MCredit đang duy trì lãi suất cho vay trung bình ở mức khoảng 40-45%/năm, cho ra biên lãi ròng trên 20%. Hiện khoản vay tiền mặt đang chiếm tỷ trọng hơn 70% trong danh mục cho vay của MCredit.
VDSC dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi của MCredit sẽ chậm lại, trong khi chi phí hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn khi công ty tập trung mở rộng mạng lưới điểm bán và cho vay có mục đích.
Cũng trong năm 2019, dự phòng hợp nhất tăng trưởng khá mạnh tới 61% so với mức chỉ 20% tại ngân hàng mẹ. VDSC nhận thấy rằng việc chi phí dự phòng tăng mạnh chủ yếu là do MCredit, khi dư nợ tài chính tiêu dùng đang chiếm tỷ trọng 3,9% tổng cho vay và tỷ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 7%.
Việc xóa nợ tăng mạnh (tăng 151,2% so với cùng kỳ lên 4,9 nghìn tỷ) đã giúp đưa tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trở lại mức ổn định 1,2% vào cuối năm 2019. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu đối với ngân hàng mẹ cũng về mức thấp nhất từ trước đến nay là 1,0%, là tín hiệu tích cực.
Mặc dù vậy, đáng lưu ý là tỷ lệ xóa nợ trong năm 2019 ở mức gần 2,0%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng trong năm 2018 là 0,9%, cho thấy xu hướng hình thành nợ xấu cũng ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập dịch vụ từng quý của MB đều có xu hướng chậm lại, giảm xuống còn 24,3% so với cùng kỳ trong cả năm và là mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ngân hàng lúc đầu là 50%. Trong đó, thu nhập ròng từ bảo hiểm chỉ tăng 33,9% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức tăng vọt 368% so với cùng kỳ trong năm 2018), đạt 1.788 tỷ đồng, tương đương 56,1% thu nhập dịch vụ.
Các khoản thu phí dịch vụ khác vẫn còn hạn chế, chẳng hạn như thu từ thanh toán và ngân quỹ chiếm tỷ trọng 24,1%, với mức tăng trưởng năm 2019 chỉ là 17%.
Tăng vốn cho Vietcombank, VietinBank và Agribank ngay quý I/2020
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Quân đội (MB) đầu năm mới Canh Tý 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã gợi mở hướng tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Cụ thể, Phó thủ tướng cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ.
Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 2016, thời điểm yêu cầu tăng vốn cho nhóm ngân hàng trên đặt ra, với rất nhiều lần kiến nghị và định hướng nêu lên những năm qua, nút thắt tăng vốn điều lệ ở đây mới có thông tin cụ thể về mức độ tăng dự kiến cùng mốc thời gian dự định.
Nếu triển khai ngay quý I/2020, nhóm ngân hàng thương mại trên sẽ có điều kiện để đáp ứng tốt hơn yêu cầu Basel II khi mà chuẩn mực này đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay (qua Thông tư 41), cũng như có thêm điều kiện mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Trước đó, BIDV cũng từng gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên vấn đề này đã được tháo gỡ qua việc bán thành công 15% cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) và thu về hơn 20.200 tỷ đồng hồi tháng 10/2019.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, đến tháng 11/2019, tỷ lệ CAR toàn hệ thống ở 12,21%, tăng so với mức 12,02% cuối tháng 9. Trong đó, CAR của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước ở mức 10,55%, thấp nhất hệ thống dù cải thiện so với mức 9,78% cuối tháng 9. Ngân hàng thương mại cổ phần CAR đạt 10,63%, giảm so với mức 10,81% cuối quý III. Theo sau là ngân hàng hợp tác xã và công ty tài chính lần lượt 17,79% và 19,02%.
Techcombank bán hơn 2.800 tỷ đồng trái phiếu VinFast cho công ty con
Vietnambiz đưa tin, HĐQT Techcombank (HoSE: TCB) phê duyệt giao dịch bán 2.823 tỷ đồng trái phiếu do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phát hành, cho CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS – Công ty con của Techcombank) nắm gần 89% vốn, tính tới cuối năm 2019.
Giá bán không thấp hơn tổng mệnh giá cộng lãi trái phiếu cộng dồn chưa thanh toán tính đến ngày bán. Lãi suất với 4 kỳ tính lại đầu tiên tối đa 10%/năm và áp dụng cho mỗi kỳ tính lãi sau bằng tổng lãi suất tham chiếu cộng tối đa 4%/năm. Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng kỳ hạn 12 tháng bằng VND do BIDV, VietinBank, Vietcombank và Techcombank công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.
Trước đó, ngày 7/1, Hội đồng quản trị TCBS đã phê duyệt toàn văn nội dung tờ trình Đại hội cổ đông về việc tăng hạn mức đầu tư của TCBS đối với trái phiếu VinFast. Nội dung cụ thể chưa được công bố.
Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nắm 49% vốn, còn tập đoàn này nắm 51,15% vốn tính đến cuối tháng 12/2019.
Năm 2019, doanh nghiệp này gia nhập thị trường ô tô với dòng xe Fadil thuộc phân khúc A và dòng xe Lux thuộc phân khúc E, gồm hai mẫu Lux A2.0 (sedan) và Lux SA2.0 (SUV). Tổng đơn hàng VinFast nhận được cho cả ba mẫu xe là 17.214, trong đó đã sản xuất được 15.300 xe.
Hà Phương (t/h)