Tính đến hết ngày 31/1/2017, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp khoảng hơn 955.900 tấn. Trong đó, TCty Lương thực miền Nam tồn khoảng gần 318.000 tấn, Cty Lương thực miền Bắc tồn khoảng 109.800 tấn. Ngoài ra, có khoảng 528.000 tấn tồn rại rải rác tại các doanh nghiệp khác.
Xuất khẩu gạo năm 2017 tiếp tục gặp khó. Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo năm 2017 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới sút giảm.
Bên cạnh đó, các nước đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch nội địa, tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu.... Mặt khác, nguồn cung của các nước từ các cây lương thực khác khá dồi dào, giá rẻ… đang thách thức ngành xuất khẩu lúa gạo nước ta.
Trước tình hình nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn chưa rõ nét, trong khi sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn, tương đương hoặc tăng nhẹ so với sản lượng xuất khẩu năm 2016.
Theo VFA, hiện sản lượng tồn kho của các doanh nghiệp từ năm 2016 chuyển sang là 443.000 tấn, chưa kể vụ Đông Xuân sắp sửa vào đợt thu hoạch.
Trước đó, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016-2017 được giới phân tích dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%.
Kéo theo đó là tồn kho gạo toàn cầu được dự báo lên ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay. Đáng chú ý, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính lại giảm đáng kể, trong khi tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, việc Thái Lan xả kho gạo trong những năm gần đây là yếu tố không nhỏ khiến giá gạo xuất khẩu của nước ta sụt giảm mạnh, điển hình là năm 2016.
Mai Anh (Tổng hợp)