Hoá đơn từ 5 triệu trở lên buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt

Theo đó, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào từ 5 triệu đồng trở lên, thay vì mức cũ là 20 triệu đồng

Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 181 năm 2025 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý là quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với cơ sở kinh doanh.

Theo đó, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, trước đó mức cũ là 20 triệu đồng.

Điều này có nghĩa là, với hoá đơn dưới 5 triệu đồng thì chuyển khoản hay dùng tiền mặt đều được, còn trên mức này thì bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt.

Hoá đơn từ 5 triệu trở lên bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 181 năm 2025 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/7
Hoá đơn từ 5 triệu trở lên bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 181 năm 2025 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/7

Trong đó, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán.

Nghị định cũng bổ sung thêm một số trường hợp đặc thù được coi là thanh toán không dùng tiền mặt ngoài các trường hợp quy định tại Nghị định số 52 năm 2024 như bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, cấn trừ qua quan hệ vay, mượn tiền có chứng từ chuyển khoản, thanh toán thông qua bên thứ ba theo chỉ định hoặc ủy quyền hợp pháp.

Cụ thể, trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu mà cách thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng và yêu cầu phải có hợp đồng mua bán dưới hình thức văn bản được lập trước đó.

Sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp thanh toán qua Kho bạc Nhà nước theo quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế bằng cách phong tỏa, trích tiền từ tài khoản, thì khách hàng có thể được yêu cầu chuyển tiền thanh toán trực tiếp vào tài khoản của doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước.

Đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, người nộp thuế căn cứ vào hợp đồng mua bán hàng hoá dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn giá trị gia tăng, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đểu khấu trừ thuế. Trường hợp chưa có chứng từ do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì vẫn được khấu trừ.

Trường hợp giá trị hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu mua vào từng lần có giá trị dưới 5 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hoá là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu không phải trả tiền của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì không cần chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Một trường hợp nữa đó là hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được uỷ quyền cho cá nhân là người lao động thanh toán không dùng tiền mặt theo quy chế tài chính hoặc nội bộ của cơ sở kinh doanh đó. Sau đó, đơn vị này thanh toán lại cho người lao động bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ của một người nộp thuế có giá trị dưới 5 triệu đồng, mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị trên 5 triệu đồng thì chỉ được khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/7.

Hoàng Minh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục