Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế trang trại đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết kịp thời như một số vấn đề về quan điểm và chính sách phải tiếp tục làm rõ như việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, tích tụ đất để làm kinh tế trang trại...Những vấn đề đó chậm được giải quyết đã phần nào hạn chế việc khai thác tiềm lực phong phú ở nhiều vùng để phát triển kinh tế trang trại.
Mặc dù trời mưa nhưng Tổng Biên tập báo KD và PL vẫn đến tận nơi trại gà bị cưỡng chế.
Nghị quyết 03 của Chính phủ quy định cụ thể về chính sách đất đai như: Hộ gia đình có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để phát triển trang trại được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..; Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sống tại địa phương có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã được giao trong hạn mức của địa phương còn được ủy ban nhân dân xã xét cho thuê đất để phát triển trang trại…; Hộ gia đình phi nông nghiệp có nguyện vọng và khả năng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài từ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản được ủy ban nhân dân xã cho thuê đất để làm kinh tế trang trại v.v.
Nắm bắt được chủ trương trên nên gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, ông Vũ Huy Cường sau khi thuê đất của ông Hải đã đầu tư cải tạo đất từ khi đát còn là hố, hủm, mồ mả tạo dựng thành trang trại nuôi gà và đến năm 2011 gia đình bà đã được ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với UBND xã Tiên Phương. Do một phần thiếu hiểu biết về pháp luật và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương nên mặc dù khu đất đó đã hình thành khu trang trại chăn nuôi gà nhưng hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT lại được UBND xã Tiên Phong ghi nội dung diện tích đất cho thuê là để canh tác, cấy lúa và trồng hoa màu. “Lúc này gia đình tôi chỉ nghĩ là chủ trương của Nhà nước cho phát triển kinh tế trang trại nên gia đình tôi đã cố gắng vay mượn để đầu tư và hơn nữa đã bao năm thuê đất không có vấn đề gì thì nay việc ký hợp đồng thuê đất thì cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy nên chúng tôi rất yên tâm thực hiện chăn nuôi. Đến năm 2012, UBND huyện Chương Mỹ có chủ trương thực hiện phương án dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. UBND xã Tiên Phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này và tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất của gia đình tôi mà không xem xét đến cả quá trình xây dựng mô hình kinh doanh chăn nuôi gà của gia đình tôi từ năm 2005. Ở đây nhiều bất cập trong công tác dồn điền đổi thửa lắm, như đất tôi đang thuê làm trang trại là đất công mà xã lại giao đất ruộng cho các hộ khác nên tôi đã tố cáo việc này và UBND Thành phố đang giải quyết đơn tố cáo của tôi thì xã cứ cưỡng chế và không hề kê biên tài sản trong trang trại của tôi” - Bà tâm chia sẻ với phóng viên.
Khu trang trại gà của gia đình ông Vũ Huy Cường sau khi bị cưỡng chế
Sai phạm nằm ở đâu?
Trở lại việc cưỡng chế trại gà của gia đình ông Vũ Huy Cường, bà Tâm. Trước ngày cưỡng chế, ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã cho rằng: “Việc xử lý cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Cường, bà Tâm là do vi phạm hành chính về sử dụng đất công điền. Còn việc giải quyết tố cáo của UBND thành phố là việc khác, không liên quan”. Tuy nhiên, về việc UBND xã Tiên Phương ban hành Quyết định số 135/QĐ- XPVPHC ngày 11/7/2019 xử phạt hành chính đối với ông Vũ Huy Cường với nội dung vi phạm là chiếm đất ở khu Đồng Mông để xây dựng. Quyết định này có căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC do UBND xã Tiên Phương lập ngày 11/1/2019. Bà Tâm trao đổi với phóng viên là biên bản này bà có ký thay ông Cường nhưng khi ký bà có ghi rõ là bà không đồng ý với một số nội dung trong biên bản. (?).
Trong lần làm việc với phóng viên trước ngày cưỡng chế. Nói về Văn bản số 3456/SNN-TTr ngày 13/11/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tạm dừng việc cưỡng chế công trình xây dựng trang trại nuôi gà của bà Tâm cho đến khi có Kết luận giải quyết tố cáo của UBND thành phố Hà Nội. Ông Hùng - Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Giám đốc Sở này không có thẩm quyền yêu cầu huyện dừng hay không việc cưỡng chế”. Theo đó, ông Dũng - Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện cũng cho biết UBND huyện cũng đã có 02 văn bản gửi UBND thành phố báo cáo, kiến nghị việc xử lý cưỡng chế trại nuôi gà của ông Cường, bà Tâm nhưng phía thành phố vẫn chưa có phản hồi. Về việc này, theo tìm hiểu của phóng viên được biết UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra Hà Nội kiểm tra, rà soát chứ không phải UBND thành phố Hà Nội chưa có phản hồi.
Qua sự việc mà gia đình bà Nguyễn Thị Tâm gửi đơn kiến nghị, phải thừa nhân rằng xung quanh sự việc còn quá nhiều uẩn khúc cần làm rõ, khi tìm hiểu sự việc chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi với chính quyền địa phương như:Nguồn gốc sử dụng đất của trang trại nuôi gà hiện nay của ông bà Cường, Tâm? Quy hoạch sử dụng đất của xã Tiên Phương nói chung và thửa đất ông bà Cường, Tâm đang sử dụng? Danh sách những hộ được chia đất tại vị trí đất ông bà Cường, Tâm đang sử dụng? Tại sao thực hiện công tác dồn điền đổi thửa lại lấy đất công điền ra chia cho dân? Tại sao UBND xã Tiên Phương vẫn tiến hành cưỡng chế trại gà khi chưa có kết luận của UBND thành phố Hà Nội? Khi tiến hành cưỡng chế mặc dù gia đình ông Cường có đề nghị kê biên tài sản mà lực lượng cưỡng chế không kê biên? Đã không kê biên thì sao lại ra 3 lần thông báo cho gia đình ông Cường lên nhận lại tài sản? gia đình ông Cường không nhận lại tài sản thì UBND xã đã bán đấu giá đàn gà đẻ của ông Cường?... Rất nhiều các câu hỏi được đặt ra nhưng câu hỏi: Sai phạm nằm ở đâu? Thì rất cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để có câu trả lời thấu đáo.
Bà Tâm đã phải mua lại một số gà đẻ của chính nhà mình mà UBND xã đã bán cho ông Duy để lấy bằng chứng xã đã bán 9.930 con gà trên tổng số 12.000 con gà đẻ của gia đình bà.
Quả thật là sau khi cưỡng chế trại gà của gia đình ông Cường vào ngày 24 và 25 tháng 10, bà Tâm vợ ông Cường đã bức xúc nên tiếp tục gửi đơn đi các nơi. Thấy sự việc còn nhiều điểm cần làm rõ nên chiều ngày 1/11/2019, Ban Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật đã trực tiếp thị sát thực địa và chỉ đạo phóng viên tiếp tục tìm hiểu sự việc. Qua chuyến thị sát tại khu trại gà nhà ông Vũ Huy Cường đã bị san phẳng, tại đây chúng tôi nghe rất nhiều phản ánh của người dân về những bất cập trong quản lý đất đai và công tác dồn điền đổi thửa ở xã Tiên Phương. Trong đó có ông Nguyễn Tương Thảo ở thôn Quyết Tiến, măc dù năm nay ông đã 88 tuổi nhưng ông vẫn tìm gặp lãnh đạo Cơ quan báo khi đến thị sát tại địa phương để phản ánh và đệ đơn khẩn cấp đề nghị giúp đỡ, bảo vệ các hộ dân lao động đang bị xâm hại nghiêm trọng tại xã Tiên Phương. Ông Thảo cho biết: “Ông Tống Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Tiên Phương trước đây là Trưởng Phòng TN và MT huyện. Năm 2017 cả Phòng TN và MT lẫn UBND xã Tiên Phương đã bị kiểm điểm cả tập thể và cá nhân liên quan tới việc thu hồi đất thế nhưng không hiểu vì sao mà ông Thái vẫn được làm Bí thư, Chủ tịch xã”. Phóng viên đã tiếp cận thông tin từ ông Thảo và thu thập được hàng kg tài liệu liên quan đến đất đai tại xã Tiên Phương.
Với trách nhiệm của người làm báo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tài nguyên và lợi ích của Nhà nước cũng như vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh với những sai phạm, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và làm rõ sự việc.
Hiền Anh - Nguyễn Hân/KD&PL