Vườn quốc gia Cát Bà bị băm nát, ai chịu trách nhiệm?

Liên quan vụ vườn quốc gia Cát Bà bị băm nát, ngoài Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng, Thanh tra thành phố cũng đã vào cuộc điều tra.

Vườn quốc gia Cát Bà bị băm nát, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1
Những công trình sai phạm nhan nhản mọc lên ở vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà

Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Cát Bà đã ký hợp đồng liên kết với 9 doanh nghiệp, cá nhân, cho phép họ xây dựng, phá nát cảnh quan của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những hợp đồng này được “ưu ái” ký vô thời hạn với giá vô cùng rẻ mạt.

9 doanh nghiệp chia nhau cát cứ


Báo Giao thông số ra ngày 6/6 đăng bài “Ai đã băm nát khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà?”, phản ánh việc lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà và Sở NN&PTNT TP Hải Phòng đã cho phép ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết xây dựng hàng chục công trình quy mô tại các điểm đảo, băm nát cảnh quan nơi đây.

Ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, từ năm 2009, TP Hải Phòng có quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường trực thuộc vườn. Trung tâm phải tự chủ kinh phí 100% nên BQL Vườn quốc gia Cát Bà đã cho phép trung tâm này mở rộng hoạt động liên kết để tăng nguồn thu.

Ngay sau khi được giao quyền, trung tâm đã ký một loạt hợp đồng liên doanh, liên kết. Cụ thể, tại khu vực đảo Nam Cát, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang được thuê 45ha trong phân khu phục hồi sinh thái biển. Tại đây đã xây dựng hàng chục phòng nghỉ. Tại khu vực hòn Ba Cát Bằng và bãi Tháp Nghiêng đã liên kết với Công ty CP thương mại Tùng Long xây dựng các nhà nghỉ, nhà hàng, dịch vụ bơi thuyền kayak, lướt ván.

Tại khu vực Cái Dứa, trung tâm đã liên kết với Công ty CP Dịch vụ du lịch đảo Cái Dứa để đơn vị này xây dựng 29 phòng nghỉ, các khu nhà hàng, dịch vụ lưu trú trên diện tích 100ha. Tại khu vực Vạn Bội thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển đã liên kết với Công ty TNHH Vạn Bội quản lý 50ha...

Với những hợp đồng liên kết này, 9 doanh nghiệp đã chia nhau cát cứ những địa điểm đẹp, bãi tắm với tổng diện tích khoảng 14.000m2 đất rừng và 150ha mặt nước biển. Khi được hỏi về các công trình sai phạm trên đảo Cái Dứa, ông Trịnh Phúc Mãn, Phó giám đốc Công ty CP Du lịch đảo Cái Dứa (DN được giao 12ha mặt nước và bãi cát) cho hay, hợp đồng liên doanh liên kết với trung tâm là vô thời hạn.

Theo tìm hiểu, mỗi năm một doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra vài chục triệu đồng để được sở hữu hàng chục ha rừng, biển, trong đó có những bãi tắm đẹp nhất Cát Bà.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo thông tin mới nhất từ UBND TP Hải Phòng, ngoài Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng, Thanh tra thành phố cũng đã vào cuộc.

Qua xác minh ban đầu, lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà đều thừa nhận việc đồng ý, cho phép ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong khi chưa được UBND TP phê duyệt là vi phạm các quy định về quản lý rừng. Đây là sự việc phức tạp, kéo dài nhiều năm và có dấu hiệu cố tình vi phạm vì từ năm 2016 UBND thành phố đã phát hiện, yêu cầu báo cáo thường xuyên, có giải pháp cụ thể nhưng các đơn vị này đã không thực hiện. Thành phố cũng vừa yêu cầu Vườn quốc gia Cát Bà phải thanh lý toàn bộ những hợp đồng liên kết sai quy định.

Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở NN&PTNT Hải Phòng đối với sai phạm tại Vườn quốc gia Cát Bà, một vị lãnh đạo Sở cho rằng: Trước đây, vườn thuộc quản lý của Sở nhưng từ năm 2017 vườn đã trực thuộc UBND thành phố. Khi trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo này có lẽ quên rằng toàn bộ những sai phạm đều xảy ra tại thời điểm vườn thuộc quản lý của Sở.

Nguồn: Baogiaothong

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục