Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (Ngân hàng PGBank, mã cổ phiếu PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với thu nhập lãi thuần đạt gần 348 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, phần lớn các nguồn thu ngoài lãi lại báo lỗ. Điển hình, hoạt động dịch vụ báo lỗ 10 tỷ đồng, so với mức lãi 26 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái; kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 4 tỷ, so với mức lãi 17 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước; và khoản chứng khoán đầu báo lỗ 3,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của Ngân hàng PGBank trong quý 4/2023 đạt 254 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 91 tỷ đồng, tăng 75% so với quý 4/2022. Do đó, PGBank báo lỗ ròng 4,6 tỷ đồng trong quý 4/2023, so với mức lãi gần 95 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Đại diện Ngân hàng PGBank cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lỗ năm vừa rồi là do ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do độ trễ và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lại tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, Ngân hàng PGBank cũng chi trả thù lao cho công tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm chi phí hoạt động tăng, đại diện Ngân hàng PGBank thông tin.
Tính chung cả năm 2023, PGBank ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần 1.307 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022 nhưng các khoản thu nhập ngoài lãi đều giảm mạnh, như hoạt động dịch vụ giảm 56%, kinh doanh ngoại hối giảm 55%, hoạt động khác giảm 73%, và chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động cả năm 2023 của PGBank tăng 8,4% lên mức 808 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng này chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 355 tỷ đồng, giảm 30% so năm 2022, và hoàn thành 67% mục tiêu cả năm.
Cũng trong năm này, khoản thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của PGBank đã giảm đến 32%, còn 22,3 tỷ đồng trong bối cảnh lĩnh vực này vướng nhiều lùm xùm.
Dù trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cả năm ngoái của nhà băng này giảm 9%, đạt 235 tỷ đồng song lợi nhuận vẫn giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế PGBank năm 2023 là 355 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế của PGBank đạt 283 tỷ đồng, đều giảm gần 30% và không đạt kế hoạch đặt ra.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng PGBank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 21,6%, đạt 35.335 tỷ đồng; và huy động tiền gửi khách hàng tăng gần 15%, đạt 35.729 tỷ đồng. Về chất lượng nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng PGBank vẫn duy trì ở mức 2,56% như đầu kỳ.
Hồi cuối năm 2023, PGBank đã đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thành Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank). Cùng với việc đổi tên, PGBank còn thay đổi nhận diện thương hiệu.
Đầu tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cho phép Ngân hàng PG Bank thực hiện việc tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.200 tỷ đồng thông qua việc phát hành 120 triệu cổ phiếu PGB với tỉ lệ 10:4, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu PGB sẽ được nhận thêm 04 cổ phiếu mới.
Nguồn sử dụng để tăng vốn là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ căn cứ báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ đảm bảo tuân thủ với quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, Ngân hàng PGBank tiến hành tăng vốn. Với số vốn điều lệ ở mức 3.000 tỷ đồng, PGBank là nhà băng có quy mô bé nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.