Trước hết xin được nhắc lại rằng, Vinashin đã được cứu bằng cách Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ và yêu cầu các ngân hàng trong nước xóa 70% nợ gốc và giãn 30% nợ còn lại. Liệu những ưu đãi này có được áp dụng với Vinalines?
Các ngân hàng từ chối khoanh nợ
Cách đây nửa tháng, VietinBank là ngân hàng đầu tiên trong số 24 chủ nợ trong và ngoài nước của Vinalines phát đi văn bản muốn xử lý số nợ ở đây thông qua hình thức chuyển nợ thành vốn góp khi Vinalines cổ phần hóa.
Để cổ phần hóa, Vinalines phải giải quyết “núi” nợ, làm sạch, cân bằng sổ sách kế toán. Khi đó, VietinBank mới có thể chuyển nợ thành vốn.
Nhưng theo báo cáo mới nhất (tháng 4-2014) của tổng công ty cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT): ba năm gần đây nhất, Vinalines vẫn tiếp tục thua lỗ. Số lỗ năm 2013 tăng gấp ba lần so với năm 2012 (hơn 3.100 tỉ đồng so với 1.000 tỉ). Do lỗ liên tiếp, vốn chủ sở hữu công ty mẹ mỗi năm một giảm và nợ phải trả ngày một tăng. Vinalines hiện đang nằm trong diện bị kiểm soát tài chính đặc biệt của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các ngân hàng do không có khả năng thanh toán nợ đến hạn.
Với thực trạng như vậy thì “cửa” phá sản đối với Vinalines gần hơn phương án cổ phần hóa. Vinalines kẹt ở giữa cái thế phải thực hiện cổ phần hóa vào năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ nhưng sức quá yếu. Trong khi đó, các chủ nợ, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển (VDB) và bốn ngân hàng thương mại nhà nước không đồng ý khoanh nợ, giãn nợ cho Vinalines.
Đã hơn một năm nay kể từ khi có Quyết định 276/QĐ-TTg (tháng 2-2013) về tái cơ cấu Vinalines mà kết quả thực tế không như chỉ đạo của Chính phủ và kỳ vọng của chính doanh nghiệp. Vinalines đã xây dựng phương án cơ cấu nợ với các ngân hàng theo hướng đề nghị khoanh nợ gốc, miễn giảm lãi vay và dự kiến sẽ dùng nguồn thu từ phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, cổ phần hóa, thoái vốn và vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 100 triệu đô la Mỹ để trả nợ. Song, đến thời điểm này, các phương án nói trên đều phá sản.
VietinBank hiện là chủ nợ lớn nhất trong số các ngân hàng cho Vinalines vay vốn, với khoảng 2.230 tỉ đồng, cả gốc lẫn lãi.
Hai mươi bốn tổ chức tín dụng mà gần một nửa là các ngân hàng nước ngoài không đồng ý khoanh nợ gốc, xóa lãi của Vinalines (tính đến hết ngày 31-12-2013) tổng cộng là hơn 11.000 tỉ đồng. Trong số này, VietinBank dẫn đầu về số dư nợ (khoảng 2.230 tỉ đồng, cả gốc và lãi), tiếp đến là VDB, ACB, OceanBank, Vietcombank... Phía các ngân hàng ngoại thì Natixis là chủ nợ lớn nhất, cỡ 1.000 tỉ đồng (do năm 2010 Vinalines được Chính phủ cho vay lại một phần khoản trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỉ đô la Mỹ để mua tàu).
Vinalines cũng bị ADB từ chối cho vay 100 triệu đô la thuộc chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” do không đủ điều kiện tham gia chương trình này. Việc phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh cũng không thực hiện được vì Chính phủ mới chỉ bảo lãnh phát hành trái phiếu đảo nợ cho Vinashin.
Chuyển nợ cho nơi khác
Đề xuất có tính đột phá nhất của Vinalines trình lên Bộ GTVT cách đây nửa tháng là loại bớt tài sản (thực chất là các con tàu đã thế chấp tại ngân hàng kèm theo các khoản nợ lớn), không đưa vào danh mục tài sản của Vinalines khi xác định giá trị doanh nghiệp để làm sạch sổ sách, giúp Vinalines không bị giảm vốn chủ sở hữu khi cổ phần hóa. Bởi để nguyên các cục nợ lớn này thì vốn chủ sở hữu của Vinalines chắc chắn giảm đi một nửa (đến hết tháng 12-2013, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 4.250 tỉ đồng). Nếu cổ phần hóa kèm các cục nợ lớn như vậy thì không đủ điều kiện.
Danh mục tài sản mà Vinalines muốn xin loại trừ là năm chiếc tàu biển, trong đó bốn chiếc đã hết hạn sử dụng lâu năm, mua của nước ngoài và một tàu đóng trong nước (Vinalines Ruby). Nguyên giá theo sổ sách kế toán của các tàu này xấp xỉ 3.700 tỉ đồng nhưng đến nay tất cả các tàu đều thua lỗ liên tục. Có tàu lỗ gần 100 tỉ đồng/năm. Giá thị trường hiện tại chỉ còn 20-30% giá trị sổ sách. Kèm theo đó là khoảng 2.700 tỉ đồng tiền nợ để đầu tư vào các con tàu nói trên không thể trả được.
Năm con tàu - chiếm một nửa tổng giá trị đội tàu trên sổ sách của Vinalines, mà đội tàu của Vinalines chiếm hơn 40% tổng giá trị tài sản của toàn tổng công ty, nếu được loại trừ thì tổng tài sản sẽ giảm 20% nhưng tổng nợ giảm 25% đủ biết giá trị (nếu loại trừ) lớn đến đâu. Địa chỉ mà Vinalines muốn đẩy cục nợ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính). Song, được biết là cả hai doanh nghiệp nói trên đều không muốn nhận cục nợ này, trừ trường hợp họ bị ép nhận bằng các quyết định hành chính.
Biện pháp giải quyết nợ được Vinalines tính toán chẳng khác gì cách mà Vinashin đã được làm. Theo đó, Vinalines đề nghị các ngân hàng xóa cho doanh nghiệp 60-70% giá trị các khoản nợ. Phần còn lại Vinalines sẽ bán tàu để trả một phần hoặc đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng trở thành cổ đông của doanh nghiệp tại các công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa.
Vinalines cho rằng chỉ có cách này mới giúp Vinalines thoát nợ và cổ phần hóa theo yêu cầu.
Chính phủ đã tạo ra một tiền lệ xử lý nợ cho doanh nghiệp nhà nước theo kiểu bảo lãnh đảo nợ, can thiệp xóa nợ cho Vinashin. Bây giờ liệu có thể nói không trước đề nghị tương tự của Vinalines, nhất là đề nghị đó nhằm thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình mà Chính phủ yêu cầu? Còn nếu đồng ý thì sắp tớ sẽ có thêm bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ được hưởng lợi?
(Theo TBKTSG)