Vì sao cổ phiếu CEO hết 'nóng'?

Sau thông tin Quốc hội lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, cổ phiếu CEO đã liên tiếp chịu áp lực xả hàng, rơi vào tình trạng giảm sâu. Chỉ tính riêng trong hai phiên 11-12/6, cổ phiếu này đã mất gần 16% giá trị.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Đoàn Văn Bình cho biết điểm nhấn chiến lược nhằm đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020 là "đặc khu, đặc khu và đặc khu".

Từ năm 2014, Tập đoàn CEO đã lấy Phú Quốc làm địa bàn chiến lược, điểm tựa sản phẩm, điểm tựa truyền thông và đã thành công với điểm tựa này.

"Nóng" theo đặc khu

Tháng 9/2014, CEO đưa cổ phiếu lên sàn với vốn điều lệ 343 tỷ đồng. Sau ba lần tăng vốn liên tiếp qua phát hành thêm, vốn điều lệ đã lên mức 1.544 tỷ đồng như hiện nay.

Kể từ khi lên sàn, biến động giá của CEO là không quá lớn, các nhịp sóng của cổ phiếu này đều rất ngắn. Trong năm 2017, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thị giá cổ phiếu CEO không nhận bất kỳ một ảnh hưởng nào.

Cổ phiếu này chỉ loanh quanh vùng giá 10.000 đồng/cp, kéo dài đến tận giữa tháng 3/2018, trong khi các cổ phiếu bất động sản khác như VIC, NLG, NVL…tăng giá "ầm ầm".

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ nửa cuối tháng 3/2018, sau khi vượt qua mức giá 12.000 đồng/cp, cổ phiếu CEO tăng một mạch, đã có lúc đạt mức đỉnh 19.000 đồng/cp.

Hiện, thị giá cổ phiếu này đã giảm so với mức đỉnh đạt được trong tháng 3, nhưng tính đến phiên giao dịch ngày 8/6, cổ phiếu CEO giao dịch tại mốc giá 17.200 đồng/cp, tăng gần 40% kể từ đầu năm.

CEO trở thành một trong những cổ phiếu sinh lời cao nhất trên thị trường chứng khoán trong 3 tháng trở lại đây.

Trên thị trường chứng khoán, Tập đoàn C.E.O đang niêm yết 154,4 triệu cổ phiếu CEO, vốn hóa thị trường đạt hơn 2.238 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của CEO là ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT- sở hữu 26,2%, tương ứng 40,5 triệu cổ phiếu. Đứng thứ hai là quỹ ngoại PYN Elite Fund sở hữu 15,5%, tương ứng 23,9 triệu CP.

Còn lại là nhóm cổ đông liên quan tới bà Phạm Thị Mai Lan – Phó Chủ tịch HĐQT, sở hữu 6,7%. Như vậy, nhóm cổ đông lớn cũng đã sở hữu gần 50% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Mức tăng đột biến của cổ phiếu CEO thời gian qua được nhận định là do cùng thời điểm, đất tại đảo ngọc Phú Quốc liên tục tăng giá, mà CEO là nhà đầu tư đầu tiên có mặt tại vùng đất màu mỡ này.

Trong đó, dự án nổi bật nhất là Sonasea Villas & Resort của CEO được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 từ cuối năm 2012, hiện đã được đưa vào khai thác và rất thành công.

Sau thành công ở Phú Quốc, Tập đoàn CEO tiếp tục mở rộng đầu tư vào Vân Đồn (Quảng Ninh)- nơi sẽ trở thành đặc khu kinh tế thứ hai với tiềm năng phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng với Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy mô dự kiến 350ha.

Vì sao cổ phiếu CEO hết 'nóng'? - Ảnh 1
Ngay từ khi lên sàn, hầu hết giới đầu tư đều đánh giá CEO là một cổ phiếu có tính đầu cơ cao

"Lao dốc" cũng vì đặc khu

Hiện tại, chính sách ưu đãi đầu tư vào Phú Quốc đã vượt trội so với cả nước, như được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng, được hưởng thuế thu nhập 10% thay vì mức 22% chung cho cả nước, thuế thu nhập cá nhân được giảm 50%.

Đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng đang được đăng ký để đầu tư vào Phú Quốc, chỉ chờ Phú Quốc trở thành đặc khu là sẽ tiếp tục giải ngân ồ ạt, từ đó làm tăng sức hút đối với du khách cũng như đẩy giá bất động sản.

Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Với chiến lược kinh doanh là đặc khu và bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và Vân Đồn, CEO là cái tên đáng chú ý nhất trên sàn chứng khoán ngay sau thông tin này được công bố.

Phiên giao dịch ngày 11/6, cổ phiếu CEO đã gặp áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên và nhanh chóng rơi vào tình trạng "trắng bên mua".

Cổ phiếu này đóng cửa ở mức giá 15.500 đồng/cp dư bán sàn lên tới 7,9 triệu cổ phiếu, gấp hơn ba lần lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất, và tiếp tục giảm xuống còn 14.500 đồng/cp trong phiên 12/6.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng xét về quỹ đất tại đặc khu thì quỹ đất của CEO không phải là lớn, việc "xả lũ" cổ phiếu CEO trong những phiên vừa qua chỉ là điều chỉnh sau thời gian tăng giá mạnh.

Trên thực tế, ngay từ khi lên sàn, hầu hết giới đầu tư đều đánh giá CEO là một cổ phiếu có tính đầu cơ cao, dù cũng có nhiều nhà đầu tư đánh giá nội tại doanh nghiệp rất tốt.

Tuy nhiên, nội tại doanh nghiệp có tốt hay không, Thời báo Kinh Doanh sẽ trả lời trong một bài viết khác.

Có một điểm các nhà đầu tư cần quan tâm trong thời điểm hiện tại trước khi quyết định đầu tư cổ phiếu này là mặc dù kết quả kinh doanh của CEO luôn báo cáo tốt nhưng EPS bốn quý gần nhất chỉ đạt 1.150 đồng/cp, với mức giá hiện tại thì P/E của CEO đã đạt 14,8 lần.

Hơn nữa, doanh thu của CEO phụ thuộc rất nhiều vào mảng kinh doanh bất động sản. Mảng này mang lại 1.325 tỷ đồng, đóng góp_72% vào doanh thu công ty năm 2017. Con số này tại báo cáo tài chính quý I/2018 là 230 tỷ đồng, chiếm 55% doanh thu công ty.

Linh Đan/Thoibaokinhdoanh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục