Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên hiện nay, các giải pháp hỗ trợ về thuế, gồm giảm thuế TNDN chỉ giới hạn trong năm 2021. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022.
Cùng với đó, VCCI cũng đề nghị, giảm thuế GTGT cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… là 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, VCCI cho hay, trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn do COVID-19, đặc biệt là giai đoạn phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội. Từ đó, khiến chi phí cố định trong doanh nghiệp bị tiêu hao, nhưng không có nguồn thu bù đắp. Dù theo chủ trương của Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn cơ cấu nợ ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nóng để trang trả các chi phí. Không những vậy, số tiền doanh nghiệp phải chi cho phòng chống dịch là rất lớn, như thực hiện test nhanh, test PCR COVID-19 cho cán bộ nhân viên, hỗ trợ an sinh cho người lao động nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Theo đó, VCCI đề nghị bổ sung dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo. Đặc biệt, doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm, thì được nhà nước hỗ trợ càng lớn.
Đại diện VCCI khẳng định, những việc trên giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế với phạm vi đủ lớn, khắc phục khó khăn trên thực tế của một số gói hỗ trợ thời gian qua là dù con số công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh trên thực tế.