Vay nước ngoài để giải quyết nợ xấu ngân hàng?

Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng trên thực tế đã có từ nhiều năm qua chứ không phải đến nay mới có. Nói đúng hơn thì đến thời điểm này, do các ngân hàng bắt đầu công khai và hạch toán rõ ràng, minh bạch hơn, con số nợ xấu mới tăng lên đến tỷ lệ công bố ra công chúng là 9 – 10%. Dường như Ngân hàng Nhà nước muốn công chúng và thị trường từ từ tiếp nhận thông tin về nợ xấu, tránh những hoảng hốt và phản ứng bất lợi đột ngột trên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, con số nợ xấu mới được công bố 9,71% của hệ thống ngân hàng là rất cao. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân của toàn hệ thống, nếu tính từng ngân hàng thì sẽ có ngân hàng có nợ xấu cao hơn con số bình quân. Những ngân hàng này mới thực sự đáng lo ngại.

Vay nước ngoài để giải quyết nợ xấu ngân hàng? - Ảnh 1

Với mức nợ xấu như vậy, các ngân hàng không dám cho DN vay tiền, kể cả với những DN đang kinh doanh tốt. Điều này dẫn đến thực trạng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, thiếu vốn cho SXKD, dẫn đến phá sản, giải thể và nợ tốt hiện tại lại chuyển thành nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu theo đó lại tăng lên theo.

Và nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài, tỷ lệ nợ xấu lên cao dẫn đến nguy cơ phá sản của một vài ngân hàng và từng bước de dọa cả hệ thống ngân hàng. Doanh nghiệp không vay được vốn, dẫn đến giải thể phá sản, ngân hàng tỷ lệ nợ xấu cao hoặc sáp nhập, hoặc giải thể sẽ làm cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia tiếp tục trì trệ.

Một trong những nguyên nhân sâu xa của nợ xấu cao là do tổng cầu của toàn nền kinh tế đang suy giảm, số lượng doanh nghiệp phá sản nhiều và hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế bị đình trệ. Bởi vậy, để giải quyết nợ xấu, trước tiên vẫn phải tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, làm khơi thông trở lại dòng tiền của các doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, có hai cách để giúp các ngân hàng loại bỏ nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán, một là bán nợ cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), hai là thu đòi nợ, thanh lý tài sản đảm bảo.

Đối với cách thứ hai, trong bối cảnh tiến trình xử lý, thanh lý tài sản đảm bảo vẫn vướng víu nhiều vấn đề về pháp lý như hiện nay, rất khó để các ngân hàng đòi được nợ. Trong khi đó, VAMC lại không thể xử lý nợ xấu ngay được và về bản chất vẫn chỉ là hạch toán, không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động vào nền kinh tế.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nên nghiên cứu thêm phương án tìm kiếm vốn trên thị trường quốc tế để tài trợ hệ thống ngân hàng. Việc này đồng nghĩa với nợ công sẽ tăng, nhưng bù lại sẽ có vốn cho sự hồi phục sớm của toàn hệ thống ngân hàng nhằm trang trải dần cho khoản nợ công này. Và khi hệ thống ngân hàng hồi phục, doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn tạo đà cho sự phát triển trở lại của toàn nền kinh tế.

Phó Chủ tịch thường trực HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cũng để cập đến việc mua nợ xấu của các nhà đầu tư (NĐT) ngoại như Dragon Capital, Holding Capital, SAM. Theo ông Hùng, nếu các NĐT ngoại mua được nợ xấu sẽ có một lượng vốn khổng lồ và điều này rất có ý nghĩa với Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc bán nợ cho NĐT ngoại tại thời điểm hiện nay là rất khó. Bởi vì muốn bán nợ cho NĐT ngoại phải kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ liên quan đến đối tượng khách hàng này. Cụ thể, đó là tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng nội, cũng như DN như thế nào; quyền sở hữu bất động sản của NĐT ngoại ra sao; hay việc họ chuyển vốn ra nước ngoài; quy định về chính sách thuế đối với họ như thế nào.

Anh Đức (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục