Vốn tín dụng chảy chậm
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, “bóng ma” lạm phát còn rình rập phía trước, cộng thêm hoạt động kém hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), “cửa” kéo giảm lãi suất từ nay đến cuối năm rất hẹp, khả năng tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nhất là đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Thực tế, nếu lạm phát kỳ vọng cả năm nay là 7%, việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay vẫn còn cao, đặc biệt là lãi suất vay trung – dài hạn nên sẽ không kích thích được các doanh nghiệp. Nguy cơ nợ xấu, tồn kho tăng đối với những doanh nghiệp phục hồi sản xuất bằng mọi giá.
Năm 2013, tín dụng toàn hệ thống NH vượt mục tiêu đề ra, đạt 12,58% tính cả lạm phát và tăng trưởng nhập lãi và gốc, nhưng thực tế nếu hạch toán theo thông lệ quốc tế mức tăng trưởng ròng rất thấp. Tăng trưởng tín dụng thấp đồng nghĩa với DN không đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh.
Vì vậy, một trong những vấn đề then chốt được đặt ra trong năm 2014 là phải tập trung xử lý nợ xấu, tạo ra mối quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa DN và NH để tận dụng được cơ hội đầu tư mới.
Hầu hết các NHTM thừa nhận hiện vẫn đang diễn ra tình trạng NH thừa tiền, DN thiếu vốn và tín dụng cho DN cũng đang là một vấn đề rất đau đầu đối với NH. Tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm là do sức mua yếu, tồn kho tăng, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, nên không có nhu cầu vay vốn đầu tư, sản xuất mới.
Bản chất của hoạt động ngân hàng là huy động vốn và cho vay, nhưng hiện nay thanh khoản dồi dào, song cửa ra của đồng vốn rất hẹp. Nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp tốt không có.
Thực tế, lãi suất cho vay đã thu hẹp dần nên biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng hiện nay rất thấp, không đủ để bù chi phí. Càng cho vay ra nhiều, ngân hàng sẽ càng bị thua lỗ.
Còn với những doanh nghiệp có rủi ro nợ xấu cao, ngân hàng không thể nhắm mắt trao vốn, cho dù vẫn biết vốn huy động về để trong kho phải trả lãi suất cho người gửi tiền. Vì thế, trong lúc này, tạm thời ngân hàng là nơi giữ tiền cho người dân, để đảm bảo lực lượng, thay vì đẩy mạnh vốn ra thị trường, nhưng không kiểm soát được rủi ro là điều hết sức nguy hiểm.
Hầu hết các NHTM thừa nhận hiện vẫn đang diễn ra tình trạng NH thừa tiền, DN thiếu vốn và tín dụng cho DN cũng đang là một vấn đề rất đau đầu đối với NH.
Lỗi tại ai
Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc VietCapital Bank cho biết Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đến cuối tháng 4 đạt hơn 1.000 tỷ đồng (tăng trưởng gần 11%), còn huy động vốn tăng trưởng 9,9%; tỷ lệ nợ xấu là 3,45%. Tỷ lệ nợ xấu này so với 4 - 5 năm trước là phù hợp. Ông cho rằng, nợ xấu tăng cao như hiện nay một phần là do trước khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp sử dụng đồng vốn kinh doanh quá dễ dãi, dẫn đến mất cân đối nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp đã vay ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn, thậm chí đầu tư bất động sản nên sẽ càng khó khăn. Do đó, với các doanh nghiệp này, ngân hàng không dám rót thêm vốn.
Thực tế hiện nay, cạnh tranh về thị phần tín dụng rất gay gắt, do đó ngân hàng cũng không thể chỉ cho vay đối với doanh nghiệp đạt điểm 10, mà chỉ cần 7-8 điểm đã sẵn sàng cho vay.
Trong điều kiện hiện nay, DN cũ thuận lợi hơn, còn đối với khách hàng mới NH phải thẩm định kỹ để tránh rủi ro, bởi trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế DN đã sử dụng vốn quá dễ dãi, không đưa vốn vay vào phương án kinh doanh đã được NH thẩm định, làm mất cân đối nguồn tiền, dẫn đến khó khăn cho DN. Dù ngân hàng đã mở nhiều hình thức cho vay và đã mạnh dạn cho vay tín chấp bằng dòng tiền nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc quản lý dòng tiền của DN cũng rất khó khăn. Ông Đỗ Duy Hưng cho rằng, thực ra ngân hàng chỉ quản lý được 30-40% dòng tiền của DN mà thôi, Nên nếu DN vay 10 đồng mà dùng hết 10 đồng cho sản xuất kinh doanh chính thì không sao, nhưng DN chỉ sử dụng 5 đồng cho việc chính thì ngân hàng khó quản lý dòng tiền của họ đi đâu.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần nhấn mạnh. Thứ nhất, hiện lãi suất trung hạn theo DN phản ánh vẫn còn khá cao so với báo cáo của các NHTM, khoảng 12-13%/năm. Vấn đề này cần được tập trung xử lý vì muốn thực hiện mục tiêu thúc đẩy tín dụng cũng như tái cấu trúc DN phải có vốn trung hạn.
Thứ hai, hiện có thể phân loại DN thành 3 nhóm, nhóm 1 là DN lớn, công suất tốt, kinh doanh tốt; nhóm 2 là những DN trong quá trình khó khăn khủng hoảng vừa rồi mất thị trường, mất khách hàng nhưng còn khả năng phục hồi; nhóm 3 là những DN không còn khả năng phát triển hoặc đã chết. Đối với nhóm 1 thì họ không cần vay, nhóm 3 thì không thể nào cho vay được nữa, nhưng ở nhóm 2 nếu muốn DN có lại thị trường, có lại khách hàng, các NHTM cần phải tìm cách để bơm vốn hỗ trợ để vực dậy các DN này, từ đó kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.
Đứng về phía người cho vay, các NH lại cho rằng chưa bao giờ kinh doanh NH lại vất vả như bây giờ, nếu như chính sách và cơ chế về tín dụng không thay đổi NH rất khó bơm vốn cho DN. Đồng thời, qua 2 năm tái cơ cấu, số DN vượt qua và khỏe lên không nhiều, đặc biệt là DN nhảy vào bất động sản vẫn chưa cách nào thoát ra được.
Về nguyên tắc tín dụng, tài sản đảm bảo cho khoản tiền vay được coi như một hình thức phòng ngừa hoặc hạn chế thiệt hại khi có rủi ro trong quan hệ tín dụng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng cho vay cũng được tạo lập bởi nguồn huy động của xã hội, việc kinh doanh của ngân hàng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc trong kinh doanh tiền tệ nên không thể sử dụng vốn huy động cho vay tùy tiện.
Do vậy, muốn NH bơm vốn vào DN dễ dàng hơn cần sức bật của kinh tế để DN có thị trường, có khách hàng, cải thiện sản xuất kinh doanh.
Thế Anh (Tổng hợp)