Tỷ phú Trần Bá Dương giải bài toán cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết?

Ngày 1/8, HAGL Agrico, có văn bản gửi HoSE giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục sau khi mã cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết.

Theo đó, bằng văn bản Số: 22/2024/CV - HAGL Agrico, ngày 1/8, về việc giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - MCK: HNG), nơi tỷ phú Trần Bá Dương nhà sáng lập “đế chế" ôtô hùng mạnh Thaco Group làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đưa ra nhiều giải pháp với hy vọng sẽ ổn định tình hình.

Sơ lược về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, HAGL Agrico cho biết, doanh thu thuần công ty đạt 147 tỷ đồng, lỗ sau thuế 370 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6, gần 8.472 tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo chủ chốt của HAGL Agrico đang tìm giải pháp để thoát cảnh kinh doanh thua lỗ.
Dàn lãnh đạo chủ chốt của HAGL Agrico đang tìm giải pháp để thoát cảnh kinh doanh thua lỗ.

Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết, HAGL Agrico thông báo, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, Công ty dự kiến trồng mới 1.533 ha chuối, chăm sóc và khai thác 6.328 ha cao su; đầu tư chuồng trại, cánh đồng cỏ và nhập khẩu 5.800 con bò cái. Theo đó, doanh thu thuần ước đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, HAGL Agrico được Chính phủ Lào chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào. Dự án có quy mô diện tích đất 27.384 ha, tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện đầu tư dự án từ năm 2024 đến năm 2028. Doanh thu năm 2028 ước tính đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 2.450 tỷ đồng.

Hiện nay, HAGL Agrico đang thực hiện Chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp.

HAGL Agrico sẽ tập trung vào các mục tiêu: Trước hết, đầu tư quy hoạch tổng thể, đồng bộ hệ thống giao thông – thuỷ lợi – điện; các công trình trên đất; tuyến đê bao chống ngập; tổ chức hoạt động giao nhận vận chuyển, tổng kho. Thứ hai, trồng trọt chuyên canh chuối, dứa với diện tích lớn, cung cấp trái cây tươi; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến trái cây; trồng trọt các loại cây ăn trái (xoài, bưởi, sầu riêng…) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả, bê và bò thịt chăn thả, bò thịt vỗ béo tập trung. Thứ ba, tổ chức mô hình khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín đảm bảo công tác an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thứ tư, tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vườn cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò.

Với chiến lược nêu trên, HAGL Agrico tin tưởng vào sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính trong thời gian ngắn nhất.

Trước đó, ngày 26/7, HoSE đã ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với mã cổ phiếu HNG vì kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2021, lỗ 1.119,4 tỷ đồng; năm 2022, lỗ 3.576,5 tỷ đồng; năm 2023, lỗ 1.098,5 tỷ đồng.

Liên quan đến việc “ông trùm” đế chế Thaco Trần Bá Dương ngồi vào vị trí cao nhất tại HAGL Agrico, vào ngày 8/1/2021, vị tỷ phú USD này đã chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn HAGL giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT HAGL Agrico. Trước đó, vào ngày 8/8/2018, giữa 2 bên đã "bắt tay" ký kết hợp tác chiến lược.

Tính đến hết quý I/2024, hai trong số chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico lần lượt là các công ty “người nhà” gồm Công ty Nông nghiệp Trường Hải (thành viên Thaco) với số tiền 6.000 tỷ đồng và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (MCK: HAG) với số tiền 1.120 tỷ đồng.

Huy Hùng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục