CNN dẫn báo cáo của dịch vụ tài chính quốc tế UBS và PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết, hầu như tuần nào trong quý 1/2015, Trung Quốc cũng chào đón thêm một tỷ phú mới. Tài sản của giới giàu có nước này cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh và thị trường chứng khoán khởi sắc thời gian gần đây.
Li Hejun, Chủ tịch của công ty pin năng lượng mặt trời Hanergy
Francis Liu – Giám đốc điều hành UBS Wealth Management nhận xét 15 năm qua, người Trung Quốc chủ yếu hưởng lợi từ bất động sản, công nghệ, y tế và các ngành liên quan đến tiêu dùng khác.
Số lượng tỷ phú Trung Quốc gia tăng sẽ khiến châu Á trở thành trung tâm dành cho các tỷ phú mới nổi lớn nhất thế giới.
Giới giàu có châu Á vốn đã trẻ hơn so với mặt bằng chung toàn cầu, và nhiều người trong số họ là tỷ phú tự thân. 25% tỷ phú châu Á sinh ra trong nghèo khó, trong khi chỉ có 8% tỷ phú Mỹ đi lên từ con số 0.
"Chúng tôi rất lạc quan là trong 5-10 năm tới, số tỷ phú châu Á sẽ sớm vượt Mỹ, do các cơ hội tăng trưởng cao tại khu vực này", Liu cho biết. Cũng theo báo cáo, thời gian tới, các tỷ phú sẽ quan tâm nhiều hơn tới bất động sản. Do hai phần ba tỷ phú thế giới đã trên 60 tuổi và đang tìm cách bảo toàn giá trị tài sản cho thế hệ sau.
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng giới giàu có Trung Quốc thường dùng tài sản mà họ mới có để làm từ thiện.
Chủ tịch hãng thương mại điện tử Alibaba - Jack Ma
Jack Ma - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba nổi tiếng là tỷ phú tự thân. Năm ngoái, ông đã lập một quỹ từ thiện hỗ trợ nhiều vấn đề, như môi trường hay văn hóa.
Nếu các thế hệ tỷ phú Trung Quốc trước đây tập trung làm từ thiện trong lĩnh vực như giáo dục hay chăm sóc sức khỏe, thì những tỷ phú trẻ hơn ngày nay nhìn ra tồn tại trong xã hội, từ đó hỗ trợ cho các cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi.
Trâm Anh