Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nêu khái quát tình hình xây dựng Đề án và quán triệt những nội dung cơ bản triển khai Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đồng chí nhấn mạnh “Quy định số 205-QĐ/TW là điểm nổi bật trong tham mưu về công tác cán bộ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng; là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng và công tác cán bộ, đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua”.
Trải qua 20 tháng chuẩn bị từ lúc khởi thảo, với 4 phần, 15 điều được thiết kế chặt chẽ, Quy định số 205-QĐ/TW được thiết kế chặt chẽ, hệ thống lại các văn bản trước đây của Đảng nhưng vẫn đề cập đến nhiều điểm mới như: Xác định các chủ thể có quyền hạn, trách nhiệm trong công tác cán bộ một cách cụ thể; Quy định rõ về hành vi: nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; Bổ sung chế tài. Hình thức xử lý đối với người vi phạm; Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giác và xây dựng Đảng về đạo đức; Quy định bảo đảm tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra trong công tác cán bộ.
Để Quy định số 205-QĐ/TW đi vào đời sống, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đề nghị tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở, khâu tổ chức thực hiện phải tập trung vào các giải pháp:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
Hai là, cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, báo chí truyền thông và nhân dân.
Năm là, tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm, có vấn đề phức tạp nảy sinh, những bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh; xây dựng, thực hiện đoàn kết thống nhất trong đảng.
Sáu là, nhận diện rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền nêu trong Quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 12 và thời gian tiếp theo, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2019; triển khai xây dựng kế hoạch công tác năm 2020, trong đó, khẩn trương hoàn thiện 5 đề án, nhiệm vụ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, triển khai đăng ký đề án, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2020 theo hướng tập trung trọng tâm công tác đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện Chương trình, kế hoạch công tác năm 2020 của cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp sau khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp phê duyệt.
Toàn ngành tiếp tục tham mưu công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng phương hướng công tác nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; hoàn thành, rà soát, bổ sung quy hoạch các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bổ sung, sửa đổi Hướng dẫn thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng đại biểu các địa phương, cơ quan, đơn vị dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp…
Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan hợp nhất, sáp nhập; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Kịp thời làm công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Bám sát 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 2 trọng tâm, 5 đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm cơ chế đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; cơ chế bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số gắn với việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền. Kiên quyết không để lọt người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy hệ thống chính trị, nhưng đồng thời không bỏ sót người có đức, có tài để tham gia, bố trí vào cấp ủy và các chức vụ tương xứng…
Nguồn: Baochinhphu.vn