Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 12-5 đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM và đại diện 14 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính tại TP.HCM về hoạt động của ngân hàng trên địa bàn.
Trên 46.000 tỷ đồng nợ xấu
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến 31-3, tổng nợ xấu của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn là 46.403 tỷ đồng, chiếm 4,85% tổng dư nợ tín dụng.
Theo ông Lâm, dưới góc độ quản trị kinh doanh, nợ xấu phát sinh tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn được đảm bảo bằng 2 nguồn: quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và tài sản đảm bảo nợ vay. Theo thống kê từ các tổ chức tín dụng cho thấy, giá trị tài sản đảm bảo nợ vay cho khoản nợ xấu trên hiện nay là 76.962 tỷ đồng.
Về kết quả xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 3-2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý được 3.534 tỷ đồng nợ xấu (số liệu lũy kế từ đầu năm 2014). Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền đạt 910 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro 501 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo để thu nợ 141 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC 487 tỷ và xử lý qua các kênh khác đạt 1.490 tỷ đồng. Riêng với kênh bán nợ, trong năm 2013, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bán 10.256 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Lũy kế đến cuối tháng 3, tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC đạt 10.743 tỷ đồng.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thông qua biện pháp xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ (bán, đấu gia, phát mãi tài sản…) hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian về thủ tục đấu giá, phát mãi, thi hành án. Việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế chính sách liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, thủ tục thi hành án, môi trường kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
11 NH đã được phê duyệt phương án tái cơ cấu
Báo cáo về tình hình tái cơ cấu các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, ông Lâm cho biết, đến nay 14/14 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM đã xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013 - 2015 và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong đó, Thống đốc đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 11 ngân hàng.
Cụ thể, 2 ngân hàng đã thực hiện phương án tái cơ cấu từ năm 2012 và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (hợp nhất từ 3 ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn) và Ngân hàng Nam Việt.
Bên cạnh đó, có 9 ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cơ cấu lại trong năm 2013 và quý 1-2014, bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu, An Bình, Sài Gòn Công thương, Nam Á, Bản Việt, Phương Đông, Á Châu, Đông Á và Việt Á.
Hiện còn 3 ngân hàng chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu, gồm: Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Phát triển TP.HCM và Ngân hàng Phương Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển TP.HCM đã mua lại Công ty tài chính SGVF và sáp nhập với Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Phương Nam đã được Thống đốc chấp thuận về chủ trương sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch đánh giá, tình hình tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM dù cao hơn so với bình quân cả nước, nhưng vẫn ở mức thấp. Đặc biệt, dư nợ tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ lệ còn nhỏ, chỉ đạt 135.071 tỷ đồng trên tổng số 965.000 tỷ đồng tổng dư nợ, tương ứng tỷ lệ 6,96%. Ngoài ra, ông Lịch cũng lưu ý các ngân hàng về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, về bản chất các khoản nợ này vẫn là nợ xấu và rất có khả năng trong tương lai nó sẽ quay về thành nợ xấu trở lại.
Theo Báo Hải quan