Thủ tướng Singapore: TPP là phép thử uy tín với Mỹ

(Kinhdoanhnet) - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng việc phê chuẩn TPP chính là phép thử chứng minh sự tín nhiệm của nước Mỹ.

Phát biểu tại thủ đô Washington trong chuyến thăm chính thức Mỹ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo uy tín của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Thủ tướng Singapore: TPP là phép thử uy tín với Mỹ - Ảnh 1
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Ông Lý Hiển Long nói rằng không chỉ là một “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi kinh tế”, TPP còn có thể “gia tăng mức độ thực chất trong cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

“Đối với các nước bạn bè và đối tác của Mỹ, việc Mỹ thông qua TPP là một phép thử đối với uy tín của các vị và mức độ nghiêm túc trong mục đích của các vị”, ông Lý Hiển Long nói. “Mỗi nước tham gia TPP đều đã phải hy sinh để chấp nhận thỏa thuận TPP, và cùng nhau đi đến kết quả có lợi cho tất cả các bên”.

Nhắc lại tầm quan trọng của Hiệp định TPP, ông Lý Hiển Long nói: “Tôi biết rằng, nước Mỹ có rất nhiều mối bận tâm ở cả trong nước và nước ngoài. Nhiều người Mỹ lo lắng và thất vọng về sự bất ổn kinh tế toàn cầu, sự phát triển không đồng đều của thương mại hóa toàn cầu cũng như sự tham gia của nước ngoài vào Mỹ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng TPP đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích hơn là những lo lắng đó. TPP  không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, các doanh nghiệp Mỹ mà còn phát đi tín hiệu rằng, nước Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Singapore luôn mong muốn và hy vọng vào điều đó”.

Singapore và Mỹ là hai thành viên  tham gia ký kết thỏa thuận thương mại từ do đa phương cùng với 10 quốc gia khác là Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Australia, Nhật Bản và Việt Nam.

Như vậy đến nay, TPP đã được 12 quốc gia thành viên ký kết, nhưng phần lớn các nước này chưa thông qua hiệp định. Theo dự báo, việc thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ sẽ là một quy trình khó khăn.

TPP được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ giữa các nước thành viên. Một khi có hiệu lực, TPP sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Phương Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục