Tự nhiên mắc nợ công ty tài chính

Kinh tế suy thoái, đời sống khó khăn, nhiều người lâm cảnh bế tắc tìm đến các dịch vụ tài chính tiêu dùng để đổi uy tín vay tiền, xoay xở qua ngày. Nhiều người sau đó thay sim đổi số do không còn khả năng trả nợ vì dính phải mức lãi suất quá cao...

Bài 1: Mua sim bỗng hoá con nợ của Mirae Asset và VietCredit

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay trả góp theo hình thức tín chấp, không cần tải sản đảm bảo mà chỉ dựa vào căn cước công dân, số điện thoại và vài thông tin cá nhân… là xong. Đến khi không thu hồi được tiền, họ cho nhân viên gọi điện, nhắn tin quấy rối bất chấp đối phương có phải là người vay tiền hay không?!

Tự nhiên mắc nợ công ty tài chính - Ảnh 1

Một người ở TP.HCM sau khi mua sim điện thoại bỗng trở thành con nợ của hai công ty tài chính VietCredit và Mirae Asset.

Nợ gốc 16,5 triệu, phải trả 61 triệu đồng?

Anh N.L, 34 tuổi đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cuối năm 2024, anh ra cửa hàng Viettel tìm mua sim điện thoại mới vì một vài lý do cá nhân. Sau khi chọn số, anh cung cấp đầy đủ giấy tờ tuỳ thân để nhân viên đăng ký thông tin chính chủ, chụp ảnh chân dung và gắn sim vào điện thoại sử dụng bình thường.

Mấy tháng gần đây, nam thanh niên liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ những số lạ nhưng không nghe, sau đó tin nhắn đòi nợ bất ngờ chuyển vào máy anh. Anh kể đã nhiều lần nhắn tin trả lời là nhầm người, không có nợ nần gì với các công ty tài chính nhưng không ăn thua. Các số lạ vẫn năm lần bảy lượt bám riết lấy anh, gọi điện làm phiền và nhắn tin quấy rối với các nội dung tương tự. Anh chặn hoài mà không hết số.

Theo lời kể, lần đầu tiên anh nhận được tin nhắn là giữa tháng 3/2025 với nội dung viết không dấu từ số điện thoại 0362…: “VietCredit thông báo việc bồi thường hợp đồng với ông bà Nguyễn Trung Kiên… Chúng tôi xác nhận đơn phương chấm dứt hợp đồng buộc ông bà tất toán một lần toàn bộ số tiền (trên) 59 triệu đồng là nợ gốc lãi và phí phạt bồi thường hợp đồng. Hồ sơ tất toán sẽ do Bộ phận thu nợ tại nhà trực tiếp giải quyết vào lúc 17h ngày 21/3/2025”.

Số điện thoại 0362… yêu cầu Nguyễn Trung Kiên và những người có liên quan chuẩn bị các loại giấy tờ photo công chứng như: Hộ khẩu, Căn cước công dân, Chứng minh thư để hoàn tất thủ tục hoặc liên hệ Zalo theo số điện thoại 0354… gặp người tên Hùng, số 0334… gặp Kiên, hoặc gọi cho số 0372… để trao đổi về hợp đồng vay tiền.

Ngỡ ngàng vì khoản nợ không liên quan vừa từ trên trời rơi xuống, anh L. nhắn tin trả lời cho biết nhầm người nhưng không nhận được hồi âm từ “chủ nợ”. Tưởng rằng mọi việc đã xong nhưng qua ngày hôm sau, thanh niên 34 tuổi tiếp tục bị một số lạ khác gọi điện và nhắn tin đòi nợ. Lần này, người nhắn tin cho biết là nhân viên VietCredit địa bàn Đồng Nai, sẽ trực tiếp đến nhà ở huyện Tân Phú (cũ) để giải quyết.

Tự nhiên mắc nợ công ty tài chính - Ảnh 2

Nhiều số lạ liên tục nhắn tin đòi nợ cho VietCredit dù anh L. không hề liên quan.

Anh L. lần thứ hai phản hồi không vay tiền hay mắc nợ VietCredit; tương tự như lần đầu, nhân viên thu hồi nợ im lặng. Việc này tiếp tục lặp lại trong ngày thứ ba, phía người đòi nợ thông báo sẽ miễn giảm 100% tiền lãi và phí phạt, chỉ cần tất toán số tiền gốc là gần 16,5 triệu đồng. Số điện thoại này thông báo: “Sau thời hạn 3 ngày, trước 16h30 ngày 28/3/2025 nếu không liên hệ tất toán… sẽ khởi kiện ra TAND”.

Bẵng đi một thời gian không thấy bị quấy rối đòi nợ, anh L. nghĩ bụng chắc người vay đã giải quyết xong với VietCredit. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 7/2025 vừa qua, đội thu hồi nợ cho công ty tài chính này tiếp tục gọi điện, nhắn tin với bằng đó nội dung làm người thanh niên vô cùng khó chịu: “Đến giờ khoản nợ tăng lên trên 61 triệu đồng rồi”.

Con nợ 130 triệu đồng?

Không chỉ bỗng dưng mắc nợ VietCredit, anh L. cũng tự nhiên trở thành con nợ của Mirae Asset với số tiền hơn 69 triệu đồng. Anh không biết tiền gốc, tiền lãi ra sao nhưng hiện tổng nợ hai công ty tài chính từ trên trời rơi trúng đầu anh đang là hơn 130 triệu đồng. “Nhiều gấp mấy lần số tiết kiệm tôi đang có”, anh nói.

Nội dung tin nhắn mà bộ phận thu hồi nợ cho Mirae Asset thông báo cũng tương tự như của VietCredit, tên tuổi và địa chỉ bên vay vẫn là cùng một người. Anh L. cho biết bản thân hoàn toàn không liên quan gì đến người vay tiền, cũng không phải họ hàng hay người thân, bạn bè cũng không có ai trùng tên như vậy. Hơn nữa, anh ở TP.HCM còn người nợ thật sự lại ở Đồng Nai.

Tự nhiên mắc nợ công ty tài chính - Ảnh 3

Anh L. bị nhiều số lạ gọi điện quấy rối và tin nhắn đòi nợ của Mirae Asset.

Khi bị đòi vô cớ, nam thanh niên cũng báo lại là nhầm số, nhầm người nhưng nhân viên thu hồi nợ của Mirae Asset làm ngơ và vẫn gọi điện, nhắn tin làm phiền. Anh nhận định: “Tôi chưa từng đi vay ngân hàng, công ty tài chính hay mấy ứng dụng cho vay nặng lãi nào nhưng sau khi mua sim thì dính nợ. Khả năng, chủ nhân trước đây của sim này có vay của họ nên thành ra bây giờ tôi là người gánh chịu hậu quả.

Có những hôm đang trong phòng họp thì điện thoại tới, tôi phải ra ngoài để nghe vì sợ khách hàng, đối tác liên lạc nhưng hoá ra là đòi nợ. Cũng có lúc đang đi đường vẫn phải tấp vào lề nghe máy, và tiếp tục là đòi nợ. Tôi cảm thấy rất phiền, có lúc đã tính bỏ luôn số điện thoại hiện tại cho đỡ khó chịu trong lòng nhưng vì công việc phải cố”.

“Tôi thấy trên mạng họ đòi nợ kiểu quấy rối điện thoại nhiều rồi nhưng không ngờ lại ứng vào mình. Họ cho vay tiêu dùng thường chỉ cần số điện thoại, chứng minh nhân dân hay căn cước công dân và giải ngân nhanh chóng. Quy trình của họ lỏng lẻo để thu hút người vay thì họ phải chịu, chứ đi đòi bất chấp người không liên quan như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận?”, anh L. bực mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các công ty tài chính hiện nay đang áp dụng quy trình cho vay tiêu dùng, vay trả góp... tương đối đơn giản và nhanh chóng, nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, người dưới chuẩn ngân hàng...; đổi lại là mức tiền lãi khá cao, một vài sản phẩm lên đến 65% một năm.

Nhân viên Mirae Asset ghép ảnh đòi nợ


Tháng 11/2022, Công an TP.HCM kiểm tra hành chính Văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Q.4 cũ) sau khi một số người dân có đơn tố giác việc công ty cho vay nặng lãi, đòi nợ, sử dụng mạng xã hội bôi nhọ.

Tự nhiên mắc nợ công ty tài chính - Ảnh 4
Lực lượng công an vào trong trụ sở công ty tại Q.4 (cũ) để khám xét - Ảnh Công an cung cấp


Cùng tháng, Công an tỉnh Quảng Nam (cũ) cũng tiến hành khám xét trụ sở doanh nghiệp này liên quan việc cho vay và đòi nợ, hơn 100 nhân viên Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại đây được lấy lời khai.

Theo đó, khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.

Khi đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ để có biện pháp đòi nợ tăng cấp dần, từ dùng phần mềm gọi nhắc nợ đến gọi điện, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.

Cấp độ đòi nợ cao nhất được sử dụng là gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay qua mạng xã hội Zalo, Facebook...

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người. Cuối năm 2024, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 bộ luật Hình sự. Toà quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, phân hóa trách nhiệm hình sự để làm rõ các bị cáo có hành vi cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác hay vu khống.

Ngày 18/6/2025, sau hai ngày xét xử sơ thẩm và nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên phạt các cựu nhân viên Công ty Tài chính Mirae Asset gồm: Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1993) mức án 6 năm tù; Đỗ Trọng Đạt (SN 1997) mức án 3 năm tù và các đồng phạm là nhân viên do Thắng và Đạt quản lý mức án từ 2 năm 9 tháng tù nhưng hưởng án treo đến 2 năm 10 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Bài 2: Không cần gặp mặt, lãi đến 65%/năm

Trần Tây Côn

Ngày Nay
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục