Những vi phạm triền miên của Shopee
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vừa xử phạt Công ty TNHH SPX Express (tiền thân là Shopee Express) với số tiền 200 triệu đồng về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
Vào năm 2023, Công ty SPX cũng bị Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (cũ) xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi thay đổi mẫu phiếu gửi áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính; triển khai chương trình khuyến mại cung ứng dịch vụ bưu chính với giá thấp hơn giá cung ứng dịch vụ trước đó (khuyến mại bằng hình thức giảm giá) vi phạm quy định về khuyến mại...
Trước đó, một đơn vị giao hàng nhanh khác là Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics cũng bị xử phạt 200 triệu đồng với hành vi: đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng nhằm thu hút khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh.
Ngày 30/10/2024, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (cũ) đã xử phạt hành chính Công ty CP ShopeePay 25 triệu đồng do doanh nghiệp chưa triển khai đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng đối với hệ thống thông tin của doanh nghiệp theo quy định.
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực logistics và giao hàng nhanh đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt khi các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng cáo để giành thị phần trên các nền tảng số.
Công ty giao hàng của Shopee vừa bị xử phạt 200 triệu
Không chỉ vi phạm trong lĩnh vực logistics và giao hàng nhanh mà các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, TikTok Shop... đang trở thành nơi cho hàng giả, hàng nhái tung hoành.
Chỉ vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể thấy vô số sản phẩm “thời thượng” với mức giá rẻ giật mình trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop. Nhưng không ít trong số đó là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Theo phản ánh từ người dùng, nhiều sản phẩm được quảng cáo là chính hãng nhưng khi nhận lại là hàng giả, hàng “made in China” không rõ nguồn gốc.
Trong tháng cao điểm chống hàng giả gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng.
Điển hình như đầu tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang (cũ) đã triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán hơn 100.000 đơn mỹ phẩm giả trên Shopee và TikTok Shop, với doanh thu hơn 6 tỷ đồng.
Mới đây, chủ kênh TikTok "Gia đình Hải Sen" bị khởi tố, bắt giam vì buôn bán hàng giả "siro ăn ngon Hải Bé", với hơn 100.000 hộp đã được bán rộng rãi qua TikTok Shop, Shopee và Facebook.
Những vụ việc trên là một cảnh báo nghiêm trọng về lỗ hổng giám sát của các nền tảng số.
Thực tế hiện nay, hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT như TikTok Shop, Shopee, Lazada... được quảng cáo tương đối tràn lan, công khai với mức giá rẻ. Nhiều sản phẩm quần áo được quảng cáo là của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Gucci, Chanel... chỉ có giá từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí từ vài chục nghìn đồng.
Để tránh bị sàn kiểm duyệt, không ít chủ gian hàng áp dụng chiêu lách luật như viết tắt tên thương hiệu, cố tình không ghi nhãn hiệu trong phần mô tả sản phẩm nhưng lại sử dụng hình ảnh hàng thật đủ để người mua nhận ra. Hình ảnh sản phẩm giống chính hãng từ bao bì đến logo, giá rẻ, khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng hoặc biết rõ vẫn chấp nhận mua.
Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nay, có gần 75% người dùng Internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, chủ yếu là các mặt hàng như quần áo giày dép, mỹ phẩm, thiết bị gia dụng, đồ công nghệ điện tử. Đáng chú ý, 70% trong số đó đã từng mua phải hàng giả. Điều này cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý hàng hóa trên các sàn TMĐT.
Không chỉ đe dọa sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái còn khiến nhiều doanh nghiệp chân chính điêu đứng khi sản phẩm bị làm giả và bán công khai trên “chợ mạng”.
Nhiều doanh nghiệp đang "đau đầu" vì tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu tràn lan trên sàn TMĐT.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan: Các sàn có vô can?
Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn TMĐT đang đặt ra nhiều lo ngại. Trách nhiệm của các sàn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa được bày bán đang là vấn đề gây tranh cãi và cần được làm rõ.
Trong đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái gần đây, nhiều sàn TMĐT đã tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm.
Nhiều thách thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT.
Nhưng trên thực tế, không ít người bán vẫn bàn nhau cách "lách luật", sử dụng hóa đơn, chứng từ giả. Các sản phẩm vi phạm chủ yếu bị sàn gỡ bỏ sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, công bố rộng rãi.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam - cho rằng từ trước đến nay, trách nhiệm của các sàn TMĐT chủ yếu là cảnh báo. Tức các sàn có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý để tiến hành kiểm tra, xử lý. Các sàn không có chức năng hậu kiểm, cũng không đủ thẩm quyền để xác định hàng hóa đó có đúng quy định hay không.
Theo ông Minh, việc kiểm soát hoàn toàn sản phẩm từ đầu đến cuối là rất khó, vì quy mô và sự thay đổi của TMĐT diễn ra liên tục. Vì thế, xác định trách nhiệm liên đới của sàn TMĐT tương đối khó khăn, nhất là mức độ vi phạm, mức độ liên quan và ảnh hưởng đối với hoạt động của người bán.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, sàn TMĐT không chỉ đóng vai trò trung gian mà phải chịu trách nhiệm kiểm soát sản phẩm đang cho phép bán, nhất là với thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để ngăn chặn hàng giả trên sàn TMĐT, theo các chuyên gia, việc thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa được giao dịch trên sàn TMĐT là hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cần tăng cường kiểm tra và giám sát chất lượng sản phẩm. Trong đó, chú trọng hợp tác với các tổ chức kiểm định độc lập, đặc biệt đối với các nhóm sản phẩm có yêu cầu về chất lượng cao như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho hay, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, sàn TMĐT và người tiêu dùng. Các sàn TMĐT cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát, xác minh nguồn gốc sản phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng khi mua hàng trên sàn TMĐT.
Vietnamfinance
In bài viết