Mỹ phẩm Hanhali quảng cáo không phép, nổ công dụng, ồ ạt đưa sản phẩm ra thị trường

Chưa được cấp phép quảng cáo nhưng hàng chục lọai mỹ phẩm Hanhali liên tục quảng bá rầm rộ, nổ công dụng, ồ ạt đưa sản phẩm ra thị trường và tuyển đại lý khắp nơi. Sau phản ánh của Tài chính Doanh nghiệp, thanh tra Sở Y tế Bắc Ninh đã lập biên bản, xử phạt 45 triệu đồng đối với đơn vị này.

Chưa được cấp phép vẫn “nổ” công dụng, ồ ạt đưa sản phẩm ra thị trường

Được biết, Công ty TNHH Hanhali có mã số thuế 2301316314, trụ sở tại xã Nhân Thắng, tỉnh Bắc Ninh, người đại diện pháp luật là ông Lê Hữu Chiệu. Trên các nền tảng mạng xã hội, mỹ phẩm Hanhali đang phủ sóng với các video, bài viết quảng cáo mang nội dung “thần thánh hóa” công dụng với công nghệ Nano thủy phân sắc tố.

Công nghệ nano thủy phân sắc tố chỉ là chiêu trog quảng cáo để hút khách?
Công nghệ nano thủy phân sắc tố chỉ là chiêu trog quảng cáo để hút khách?

Theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư 09/2015/TT-BYT, mỹ phẩm chỉ được phép quảng cáo khi có xác nhận nội dung từ cơ quan chức năng. Mọi nội dung quảng bá phải phù hợp với bản công bố sản phẩm đã được duyệt, và tuyệt đối không được sử dụng ngôn từ gây nhầm lẫn với thuốc hoặc sản phẩm điều trị.

Tuy nhiên, hàng chục loại sản phẩm của Công ty TNHH Hanhali ồ ạt được đưa ra thị trường, quảng bá “có cánh” với những công dụng như: trị nám tận gốc, mờ nám tàn nhang, phục hồi da, tái tạo tế bào… Những lời lẽ này thường đi kèm hình ảnh "trước – sau" đầy kịch tính và những cam kết có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Các sản phẩm được gán cho những chức năng vượt quá bản chất của mỹ phẩm thông thường, mang tính “điều trị” rõ ràng như hút sắc tố da, ức chế nám, phục hồi da tổn thương, làm dịu, gảm đỏ rát, tăng cường đề kháng cho da, giảm mụn, kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn…

Nhan nhản các quảng cáo không phép, “nổ” công dụng về mỹ phẩm Hanhali.
Nhan nhản các quảng cáo không phép, “nổ” công dụng về mỹ phẩm Hanhali.

Bên cạnh đó, trên một số trang mạng xã hội còn liên tục đăng các bài viết quảng cáo về công nghệ Peel nano thủy phân sắc tố với sự xuất hiện của tên bác sỹ da liễu. Không chỉ dừng ở việc đăng bài quảng cáo, thương hiệu này còn tổ chức hội thảo ra mắt sản phẩm, chào mời các spa làm đại lý bán hàng, đẩy mạnh hoạt động tuyển cộng tác viên. Điều đáng nói, các sản phẩm này chưa hề được cấp giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh lập biên bản, xử phạt 45 triệu đồng

Để thông tin khách quan, đa chiều, PV Tài chính doanh nghiệp đã liên hệ làm việc với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh liên quan đến những nội dung nêu trên. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện tại, tất cả các sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH Hanhali chưa được Sở Y tế Bắc Ninh tiếp nhận thông tin quảng cáo theo quy định của pháp luật. Sở Y tế Bắc Ninh chưa cấp Giấy xác nhận thông tin quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào của Công ty TNHH Hanhali.

Phía Công ty TNHH Hanhali lại cho rằng, hiện công ty chưa kinh doanh, bán sản phẩm mà chỉ cho - tặng, công ty có một số khách hàng nhỏ lẻ được cho tặng hoặc mua sản phẩm của spa sau đó họ đi bán lại và đưa hình ảnh quảng cáo sản phẩm lên trang facebook cá nhân (?).

Sau buổi làm việc với PV Tài chính doanh nghiệp, Thanh tra Sở Y tế Bắc Ninh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với Công ty TNHH Hanhali do đã có hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Ngoài mức phạt hành chính với số tiền 45.000.0000 đồng, Công ty TNHH Hanhali còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Tổ chức hội thảo ra mắt, quảng bá sản phẩm, tuyển đại lý....rầm rộ.
Tổ chức hội thảo ra mắt, quảng bá sản phẩm, tuyển đại lý....rầm rộ.

Đáng chú ý, sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, thương hiệu này vẫn đăng bài quảng cáo, bán hàng, đào tạo, mở rộng hệ thống đại lý phân phối, đẩy mạnh chiến dịch tuyển cộng tác viên mới – bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng.

Hành vi tiếp tục quảng bá, bán hàng khi chưa được cấp phép không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn thể hiện rõ sự coi thường các quy định về quản lý ngành mỹ phẩm. Trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, xin cấp phép đúng quy trình, thì một thương hiệu như Hanhali lại ngang nhiên “lách luật”, qua mặt cơ quan kiểm tra, phát triển mạng lưới phân phối rầm rộ. 

Cần xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời

Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp phép hoặc có nội dung sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính, đồng thời bị buộc gỡ bỏ nội dung quảng cáo, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm vi phạm.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rất có thể các thương hiệu vi phạm sẽ tiếp tục tái phạm, “nhờn luật” và gây ảnh hưởng xấu đến thị trường mỹ phẩm trong nước. Người tiêu dùng là đối tượng chịu rủi ro trực tiếp, trong khi thương hiệu vi phạm vẫn thu lợi lớn từ các hoạt động trái phép. 

Hanhali – một thương hiệu mỹ phẩm chưa được cấp phép quảng cáo – đang từng bước thách thức pháp luật, coi thường sức khỏe người tiêu dùng và phớt lờ cảnh báo từ cơ quan chức năng.

Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh tay, xử lý dứt điểm để chấm dứt tình trạng “lách luật”, ngăn chặn nguy cơ mỹ phẩm không kiểm soát tiếp tục len lỏi vào thị trường, đe dọa sự an toàn của hàng triệu người tiêu dùng.

Thái Bình

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục