LTS: Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã có phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đó là tình hình nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động, v.v..
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) về những mong muốn thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phục hồi sản xuất-kinh doanh đã bị tổn thương quá nặng nề sau dịch.
---
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ tình trạng ngăn sông cấm chợ tại các địa phương để tạo điều kiện cho hoạt động của các chuỗi sản xuất cung ứng, lưu thông hàng hóa trong nước...
Các bộ chuyên ngành cũng vào cuộc thường xuyên hơn để giao ban, kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh các nơi đưa ra những quy định khác với chỉ đạo của trung ương. Nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã phần nào được cải thiện.
Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, vẫn có tình trạng tồn tại nhiều quy định khác nhau giữa các địa phương về yêu cầu, điều kiện di chuyển và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc hiện nay. Những quy định này tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa, từ đó gây khó cho việc vận hành các chuỗi cung ứng sản xuất.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
.vcc-media-unit.type4 { width: 100%; display: inline-block; text-align: left; } .vcc-media-unit.type4 p { line-height: normal !important; } .vcc-media-unit.type4 .stt { color: #000; font-size: 32px !important; font-weight: bold; margin: 0 0 -10px; font-family: SFD-Bold; } .vcc-media-unit.type4 .title { color: #0e1c63; font-size: 40px !important; font-weight: bold; margin: 0; font-family: SFD-Bold; } @media screen and (max-width: 760px) { .vcc-media-unit.type4 p.stt { font-size: 26px !important; margin: 0; } .vcc-media-unit.type4 p.title { font-size: 35px !important; margin: 0; } }
Mỗi tỉnh một quy định
TP.HCM đã chủ động trao đổi về biện pháp cho người và xe cộ đi lại giữa TP HCM và các tỉnh lân cận. Nhưng Hà Nội chưa có. Hiện nay, xe các tỉnh về Hà Nội không quá khó khăn, nhưng xe từ Hà Nội đi các tỉnh thì mỗi tỉnh quy định mỗi khác. Tình huống này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải đưa người và thiết bị, nguyên vật liệu di chuyển giữa Hà Nội và các tỉnh.
Tại Móng Cái, Quảng Ninh thì tài xế và phụ xe chở hàng hóa đến cửa khẩu vừa phải có PCR còn thời hạn, vừa phải test COVID tại chỗ với xe hàng và hàng hóa trên xe và trước khi rời khỏi địa phương họ lại phải xét nghiệm RT-PCR một lần nữa.
Một số doanh nghiệp vận chuyển cho biết tài xế chở hàng từ Quảng Trị đi các địa phương khác đều phải có xét nghiệm âm tính, nhưng đến Lạng Sơn thì tỉnh này vẫn yêu cầu phải test lại với lý do "đi từ vùng dịch về", dù giấy xét nghiệm tại Quảng Trị chỉ vừa mới cấp vào ngày hôm trước.
Tỉnh Hậu Giang thì ra văn bản (Công văn số 1879/UBND-NCTH ngày 02/10/2021) yêu cầu hàng hoá phải trung chuyển khi vào địa phương và sản xuất thì phải theo mô hình 3 tại chỗ.
Trước đó, Cần Thơ cũng yêu cầu doanh nghiệp tập kết và trung chuyển hàng hóa khi vào TP Cần Thơ, khiến hoạt động vận tải hàng hóa bị tắc mấy ngày. Đến khi đoàn công tác của chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo bãi bỏ quy định thì mới được tháo gỡ.
Hàng hóa có rất nhiều loại đặc thù, cần phương tiện cẩu chuyên dụng và công tác bàn giao chặt chẽ giữa bên vận tải với đơn vị tiếp nhận. Nếu phải trung chuyển như hai tỉnh trên yêu cầu thì quá trình trung chuyển với sự tham gia của đơn vị vận tải nội tỉnh không thể giải quyết hết bài toán này và tính trách nhiệm với hàng hóa không được đảm bảo.
Với mô hình “3 tại chỗ”, đây có thể là một lựa chọn của doanh nghiệp nhưng không nên là hình thức bắt buộc duy nhất vì trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều bức bối của doanh nghiệp, người lao động với mô hình này, rất khó để doanh nghiệp duy trì lâu.
Các chỉ đạo gần đây của chính phủ và thủ tướng cũng đã nêu các hình thức khác để địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng nhằm đảm bảo tính chất linh hoạt như mô hình “4 xanh”, hay “1 cung đường 2 điểm đến”...
Nhiều địa phương như Long An, TP HCM, Bình Dương đã rất tích cực để cùng doanh nghiệp xây dựng các mô hình và lựa chọn khác nhau để đảm bảo tính hiệu quả, linh hoạt, gỡ khó cho doanh nghiệp. Vì thế, các tỉnh khác-nơi có nhiều khu cụm công nghiệp, có nhiều doanh nghiệp sản xuất cả trong nước và quốc tế cũng rất cần thay đổi tư duy theo hướng này.
Lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế. Chỉ riêng đợt dịch thứ tư này, đây là lần thứ ba Thủ tướng chỉ thị cho ngành giao thông vận tải và các địa phương phải đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông thông suốt trên toàn quốc và không được đặt ra các giấy phép con và các quy định "ngăn sông cấm chợ". Thế nhưng, không ít địa phương viện lý do an toàn phòng dịch mà đặt ra các quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp như đã nói ở trên.
Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ mục tiêu và tư duy khác nhau giữa nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư duy theo chuỗi sản xuất, cung ứng và mong muốn mọi việc có quy trình thông suốt; còn từng địa phương đang tư duy theo mục tiêu an toàn cho địa phương mình, muốn đảm bảo “zero COVID” nên mới có những quy định như vậy.
Chi phí xét nghiệm và bài toán quyết toán thuế
Về việc được chủ động xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp, đây là nguyện vọng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp vì chi phí xét nghiệm đang là chi phí phát sinh rất cao trong bối cảnh dịch.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tính trên cả nước, 800.000 lái xe toàn quốc x 12-15 lần xét nghiệm/tháng đang tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp và của chính nền kinh tế.
Nêu trở lại ví dụ tôi đã nói ở trên, lái xe đi Móng Cái phải làm xét nghiệm PCR hai lần: trước khi vào và trước khi rời khỏi địa bàn. Lái xe phải chờ một buổi tới gần cả ngày để có kết quả. Nếu làm PCR buổi sáng thì đến chiều có thể đi được, còn nếu làm buổi chiều thì phải ngủ lại Móng Cái một tối. Chi phí này đổ lên doanh nghiệp hết. Trong khi nếu để doanh nghiệp tự xét nghiệm thì có thể giảm 70%-80% chi phí.
Tại một buổi họp giao ban của các Hiệp hội, bà Đỗ Thị Thúy Hương đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã nêu một tình huống mà nhiều Hiệp hội tham dự đều quan ngại. Đó là do chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính/Tổng cục thuế về hạch toán, quyết toán các khoản chi phát sinh của doanh nghiệp trong dịch, đặc biệt là chi phí xét nghiệm, nên trong thực tế đã nảy sinh 2 tình huống:
- Tình huống 1: Nếu hợp đồng xét nghiệm được ký kết dưới dạng hợp đồng số lượng mà không nêu tên cụ thể các nhân sự được xét nghiệm thì doanh nghiệp có thể hạch toán vào chi phí hợp lý hợp lệ khi quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp.
- Tình huống 2: Nếu hợp đồng xét nghiệm được ký kết với tên các nhân viên cụ thể thì số tiền chi theo tên từng nhân viên có thể bị hạch toán vào thu nhập cá nhân của nhân viên và đưa lên ngưỡng thu nhập phải chịu thuế TNCN.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử, tình huống này đã xảy ra ở Cục thuế Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Tôi trao đổi với một doanh nghiệp vận tải thì lại phát hiện những tình tiết mới nữa:
- Lái xe vận tải phải liên tục xét nghiệm để đáp ứng điều kiện đi lại của các địa phương, nhưng các điểm/trung tâm y tế/bệnh viện hầu hết chỉ cấp phiếu thu đóng dấu treo theo tên cá nhân người được xét nghiệm mà không cấp hóa đơn tài chính, cũng không có hợp đồng xét nghiệm. Vậy khi quyết toán, liệu các phiếu thu dạng này có được cơ quan thuế chấp nhận không? Phải hạch toán vào đâu?
Nếu hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp thì cực kỳ khó bởi số tiền tổng cộng rất lớn nhưng lại là hàng trăm phiếu thu gộp lại. Tính vào tiền chi cho cá nhân thì lại vướng bài toán như trong tình huống số 2 trên kia là có thể bị tính thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, còn có các bệnh viện làm xét nghiệm mẫu gộp nhưng vẫn thu theo đơn giá lẻ nhân lên. Họ trả ra hóa đơn ghi thành 2 dịch vụ “khám sức khỏe” và “test COVID”để hợp thức hóa giá tiền đó.
Vấn đề là chỉ có một điểm xét nghiệm ở toàn bộ khu vực lớn đó nên doanh nghiệp không có sự lựa chọn.
Mới rồi tỉnh Bình Dương đã đồng ý cho doanh nghiệp tự xét nghiệm cho người lao động bằng test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông.
Các hộ kinh doanh cá thể tự thực hiện xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần dưới sự giám sát và cấp giấy chứng nhận từ Tổ COVID-19 cộng đồng hoặc trạm y tế lưu động.
Bộ Y tế cũng đã có công văn 8228 ngày 30/9/2021 hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh tự xét nghiệm cho người lao động. Tuy nhiên, văn bản này lại chưa làm rõ việc công nhận kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp như thế nào mà chỉ quy trách nhiệm hướng dẫn xét nghiệm cho các CDC cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế các huyện. Điều này có thể dẫn tới nhiều quy định, hướng dẫn khác nhau trong thực tiễn.
Do vậy, chúng tôi mong Bộ Y tế nhanh chóng có những hướng dẫn nhất quán để các địa phương và doanh nghiệp cùng thực hiện. Đây sẽ là bước chuyển giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực cho xã hội để chúng ta còn tập trung cho mục tiêu phục hồi kinh tế tới đây.
Điểm sáng trong chỉ thị 27 của Thủ tướng
Mới đây nhất, Chỉ thị số 27 ngày 3/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp ra đời đã thể hiện những điểm mới, được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.
Cụ thể, chỉ thị khẳng định vai trò của doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây là sự thừa nhận rất giá trị thay vì trước đây doanh nghiệp vẫn thường được đặt ở vai bị quản lý, bị quy định chặt chẽ những điều được làm và không được làm, từ đó triệt tiêu đi tính chủ động của lực lượng vốn rất linh hoạt này.
Điểm mới thứ hai là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất; đồng thời UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhưng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ giải quyết được bài toán nguồn lao động thiếu hụt cho doanh nghiệp khi mở cửa trở lại.
Thứ ba, Bộ Y tế hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp KIT xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch. Chỉ đạo này của Chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí xét nghiệm khổng lồ mà doanh nghiệp phải gánh trong thời gian qua.
Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ về lưu thông, vận tải hàng hóa.
Trong những ngày này, Thủ tướng đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt cho các Bộ ngành xây dựng giải pháp để cụ thể hóa chiến lược mới theo phương châm sống chung an toàn với COVID. Chúng tôi kỳ vọng sự thay đổi của các địa phương cũng diễn ra rất nhanh thì mới có thể tháo gỡ nút thắt này.
Mặc dù các doanh nghiệp rất mừng khi Chính phủ có một chỉ thị công nhận vai trò chủ động của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng chúng ta đều biết rõ nếu địa phương không thực sự thừa nhận điều này thì doanh nghiệp rất khó để phát huy vai trò, càng không nói tới có thể đứng ở vai chủ động phối hợp với UBND các tỉnh thành để thống nhất phương án sản xuất, kinh doanh của mình.
Để hiện thực hóa điều này, chúng tôi cho rằng cần hai yếu tố sau:
-Nhận thức của người đứng đầu địa phương về vai trò của doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế.
-Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết