Phiên họp tháng 9/2017 diễn ra trong 1 ngày, tập trung thảo luận về các nội dung như báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 khóa XII và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV; báo cáo kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 và tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP; sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020; Đề án mô hình kinh tế chia sẻ...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng tiếp tục xu hướng khả quan. GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Trong 9 tháng, xuất siêu 5,39 tỷ USD. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 36,8%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8%. Thu hút khách du lịch đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%.
Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Còn có gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Về tình hình từ nay đến cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%.
Chỉ số giá CPI có xu hướng tăng trong quý II và quý III năm 2018, dự báo bình quân cả năm 2018 vẫn bảo đảm đạt mục tiêu đề ra nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện để điều hành giá và có dư địa điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Tuy vậy, với những thách thức hiện hữu, nhất là việc thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên trong những tháng cuối năm, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 phấn đấu đạt cao và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương hết sức nỗ lực, tiếp tục tập trung chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về phiên họp này.
Đức Tuân/Báo Chính phủ