Thu thuế môi trường phải chi trở lại để bảo vệ môi trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).

Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.

Thu thuế môi trường phải chi trở lại để bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Thuế môi trường đối với xăng dầu tăng từ 1/1/2019.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Như vậy, việc tăng thuế sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm nay, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ.

Trước đó tại phiên thảo luận về nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua xem xét báo cáo đánh giá tác động bổ sung và giải trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy các nội dung tiếp thu, giải trình bổ sung trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tác động đến một số ngành sản xuất kinh doanh, giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu so với các nước…là phù hợp.

Theo đó, việc chuyển thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết bắt đầu từ 1/1/2019 sẽ không tác động làm tăng chỉ số CPI của năm 2018 đã được Quốc hội quyết định và bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh chỉ số lạm phát 2019, hạn chế tối thiểu tác động đến đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thì 1 năm thu được khoảng 15.189 tỷ đồng giúp cho đầu tư để xử lý vấn đề môi trường. "Vấn đề môi trường rất lớn, chúng ta đang đứng trước những vấn đề. Công cụ thuế này một mặt tạo nguồn thu để xử lý vấn đề môi trường, một mặt là công cụ để giảm được ô nhiễm môi trường thông qua việc xử lý đối với những sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường, " ông Phùng Quốc Hiển nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn, việc tăng mức thuế cần đánh giá hai mặt của vấn đề, bởi nguồn thu không lớn nhưng lại tác động lại xã hội rộng lớn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, cái gì động tới thị trường phải tính hiệu ứng thị trường, tác động thị trường. Việc gia tăng mà không ảnh hưởng giá bán và người tiêu dùng thì sẽ dễ chấp nhận hơn.

Lưu ý không thu cái này để chi tiêu chỗ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tiền thu được về bảo vệ môi trường đưa vào ngân sách phải chi trở lại để cho bảo vệ môi trường, xử lý những ô nhiễm môi trường đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành theo tinh thần Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông để hiểu theo đúng ý nghĩa này.

Xuân Hoà/Thoidai

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục