Thị trường đất nền: Nhà đầu tư thứ cấp đang "lặng lẽ" rút lui!

(Kinhdoanhnet) - Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, thị trường bất động sản đang ấm lên, niềm tin của người mua đã quay trở lại, rất nhiều chủ đầu tư cũ chớp lấy cơ hội này để khởi động lại các dự án của mình. Tuy nhiên, có một xu hướng khá lạ đang diễn ra đó là các nhà đầu tư thứ cấp lại lẳng lặng rút khỏi thị trường, đặc biệt là giới đầu tư đất nền.

Thị trường đất nền: Nhà đầu tư thứ cấp đang "lặng lẽ" rút lui! - Ảnh 1
Thị trường đất nền: Nhà đầu tư thứ cấp đang "lặng lẽ" rút lui!

Theo nhận định của các chuyên gia trên thị trường bất động sản, có nhiều lý do khiến nhà đầu tư thứ cấp, nhất là dân đầu tư đất nền không thể tiếp tục đánh đu theo bất động sản. Trước hết là do tiềm lực tài chính. Các nhà đầu tư thứ cấp có lẽ đã quá mệt mỏi chờ đợi thị trường để có thể đẩy hàng ra, bù đắp vào các khoản vay nợ cũng như những nhu cầu tài chính khác. Mà trên thực tế, bất động sản đã ấm lên nhưng không phải ở tất cả các phân khúc.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong quý I/2015 ghi nhận mức tăng thanh khoản gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bất động sản cũng đứng thứ 2 về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong cùng giai đoạn. 

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh doanh thì một số chính sách mới có tác động tích cực tới thị trường, bất động sản cũng thu hút được dòng vốn trên thị trường tài chính, nhưng việc chậm xử lý nợ xấu là rủi ro lớn. Nếu nhận định sâu hơn về nợ xấu ngân hàng thì các khoản nợ liên quan đến thế chấp bất động sản chiếm tỷ lệ rất lớn. Có lẽ ít có nhà đầu tư thứ cấp nào không từng vay ngân hàng để đầu tư. Do đó, thị trường ấm lại, các khoản “giải chấp” bất động sản một cách tự nguyện sẽ đồng loạt diễn ra.

Trên thực tế, nhà đầu tư thứ cấp đa phần sở hữu đất liền kề trong các dự án khu đô thị và nhà ở chung cư. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Thanh Phong, người đang sở hữu lô đất 2.000 m2 tại Khu dân cư Vĩnh Lộc A, TP. HCM cho biết: “Kinh tế ấm lên, có một số cơ hội đầu tư khác nên tôi quyết định bán để giải phóng nguồn vốn. Giá cả không còn là vấn đề quan trọng, chủ yếu là bán được hàng”.

Không riêng gì anh Phong, nhiều khách hàng đang “ôm” đất liền kề tại Nha Trang, Hà Nội, TP. HCM, TP. Vinh đều muốn thông qua Đầu tư Bất động sản để bán hàng. Anh Trần Việt Tuấn đang sở hữu lô đất 425 m2 tại Hòn Dấu Resort (Đồ Sơn) cũng đang tìm khách đẩy hàng với lý do “không muốn để vốn nằm lâu”. Nhà đầu tư thứ cấp này cho biết, anh mua từ năm 2005 với giá 7 triệu đồng/m2, nay chấp nhận bán với giá 6 triệu/m2. Với đất trong các khu resort không dễ bán vì không phải là đất ở và bán được phải đợi gặp “người giàu tính chuyện ăn chơi” nên có lỗ cũng phải bán.

Chị Minh Châu - sở hữu căn hộ 107 m2 tại chung cư TECCO (Thủ Đức - TP. HCM) hồ hởi: “Đợi mãi đến lúc đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thông tuyến chạy qua cửa chung cư, dân tình đồn thổi chung cư này lên giá, có khách hỏi mình giảm giá bán luôn. Lấy 1,7 tỷ đồng gửi ngân hàng còn hơn đợi chờ. Nếu không bán được thì để cho thuê cũng chỉ được 6 triệu đồng/tháng.”

Chị Hương đang “ôm” 3 lô đất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 cho biết: “Chờ cả năm cũng không thấy lên giá, so với lúc mua lỗ cả trăm triệu đồng, nhưng đành bán vì cũng không kinh doanh được gì. Sắp tới lại có dự án đô thị mới rồi nhà ở cho công nhân, đất mình càng khó bán”.

Anh Hoàng vừa bán lại 2 căn hộ chung cư thuộc loại trung và cao cấp tại TP. HCM cho biết lý do khiến anh phải “đẩy hàng” vì chưa biết mức phí cụ thể ở chung cư. Nếu mức phí thu cao thì cơ hội đẩy hàng tồn rất khó. Phí và dịch vụ là điều mà người mua quan tâm nhiều sau những “lùm xùm” về vấn đề quản lý chung cư, thu phí đã xảy ra. Có lần chứng kiến cảnh bảo vệ một chung cư lên mắng té tát vào mặt chủ nhà chỉ vì “khách nhà bà” cứ phi ô tô vun vút đi mà không trả vé, trả tiền gửi. “Gặp phải chung cư thế này thì chỉ có nước cho thuê”, anh Hoàng ngao ngán.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM: “Thị trường bất động sản chủ yếu vẫn đang dành cho những người có nhu cầu thực hơn là giới đầu cơ. Sẽ khó có chuyện thị trường tăng giá đồng loạt trong thời gian tới nên đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư thứ cấp đẩy bớt hàng tồn mà họ đã bị ngâm quá lâu.

Ông Châu cho rằng, xu hướng này cũng là diễn biến hợp lý và khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn. Bởi hầu hết những cơn sốt bất động sản đều xuất phát từ đất nền và trong giai đoạn hiện nay, phân khúc đất nền vẫn chưa có động lực nóng trở lại. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh. Giao dịch thành công chủ yếu từ các dự án đã hoàn thành, những dự án mới mở bán ở khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng, mật độ xây dựng thấp, chủ đầu tư có uy tín và các dự án đang thi công với tiến độ tốt.

Cụ thể, trong tháng 4, Hà Nội có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với tháng trước, gấp 2 lần lượng giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng gần 15% so với tháng trước, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến hết quý I/2015, tồn kho bất động sản cả nước tiếp tục giảm còn khoảng 70.703 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quý I/2015, hoạt động sản xuất xây dựng và thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục tích cực, giá nhà ở tương đối ổn định.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo TNCK, DDDN)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục