5 tháng đầu năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục trải qua những cơn sóng “dập dìu” mặc dù kinh tế vĩ mô đang cho thấy sự tiến triển tích cực.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), yếu tố tâm lý tác động đến diễn biến thị trường trong tháng qua đặc biệt thú vị, và điều này thể hiện khá rõ qua phản ứng của dòng tiền ở những phiên chỉ số biến động tăng/giảm mạnh.
Hiện tại, VDSC cho rằng dòng tiền đang có phản ứng khá tích cực với nhịp hồi phục vào nửa cuối tháng. Tuy vậy, nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 cho thấy VN-Index nhiều khả năng sẽ giằng co trong vùng 570-580 điểm.
Trong tuần tới, Quốc hội cũng sẽ dành ra một phiên họp về biển Đông và VDSC nghĩ rằng tâm lý dè dặt sẽ gia tăng.
"Với nhận định trên, nhà đầu tư có thể giảm bớt tỷ trọng ở những cổ phiếu đã tăng mạnh trong tháng 5/2015, đồng thời tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu cơ bản tốt đang tích lũy trong thời gian qua trong lúc chờ đợi thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh quý II/2015 của các doanh nghiệp", VDSC nhận định.
“Hết tháng 5 và bắt đầu chơi”
“Sell in May” (bán trong tháng 5) là câu nói khá phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán với ý nghĩa giảm tỷ trọng trong danh mục đầu tư khi tháng 5 đến nhằm tìm kiếm các nguồn đầu tư khác do lợi nhuận từ thị trường chứng khoán mang lại sẽ không khả quan.
Theo thống kê của VDSC, tháng 5 vừa qua là một tháng tăng điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới , trừ chỉ số Hangseng của thị trường chứng khoán Trung Quốc (giảm 13,36% trong tháng 5/2015).
Hiện tượng “Sell in May”, tưởng chừng như đã đúng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu tháng 5 thì nhà đầu tư lại chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ trong hai tuần cuối tháng. Tổng kết tháng, VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 4,5% và 4% so với tháng trước.
Trong tháng 5, khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận đạt 104,29 triệu cp, tăng 19,52% so với tháng trước. Phiên giao dịch ngày 28/5/2015 đánh dấu sự bùng nổ với GTGD đạt 2.315,5 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 3 tới nay.
Chỉ tiêu chênh lệch khối lượng đặt mua đặt bán cũng thể hiện sự tích cực tham gia thị trường từ nhà đầu tư trong tháng 5 vừa qua. Trong hai phiên gần đây, chênh lệch khối lượng đặt mua và đặt bán ~74 triệu cp/phiên, diễn biến trên cho thấy thị trường trong nhịp điều chỉnh nhưng lực cầu vẫn tương đối cao.
Theo quan sát của VDSC, những ngành tăng trưởng nổi bật trong tháng 5 đa số là những ngành được đánh giá có tiềm năng trong năm nay như Ngân hàng, Ô tô, Dệt may và Công nghệ…
Cụ thể, Công nghệ tăng mạnh nhất với +23,75% theo sau là Tài chính (+17,03%), Ngân hàng (+14,07%) và Bảo hiểm (+13,54%), không có ngành nào giảm điểm. Cụ thể, Công nghệ tăng mạnh nhất với +21,27% theo sau là Ngân Hàng (+16,56%), Tài chính (+10,74%) và Bảo hiểm (+7,99%). Tăng điểm mạnh nhất trong tháng qua phải kể đến DAG (+45,6%), TTP(+39,1%), VMD (+38,0%) và HHS (+36,1%).
Về các hoạt động từ khối ngoại, từ đầu tháng 5 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với tổng giá trị đạt 1.392,51 tỷ đồng, có sự sụt giảm khá lớn (-25,26%) so với tháng 4 với trên 1.863,18 tỷ đồng.
Tuy nhiên điều này vẫn đang là một “liều thuốc” tốt thúc đẩy tinh thần nhà đầu tư khi giao dịch cuối tháng là phiên thứ 10 liên tiếp khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu trong tháng 5 được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng (VCB, STB) hay tài chính (SSI).
Như vậy, thay vì “Sell in May and go away” (Bán tháng 5 và đi chơi), tháng 5 vừa qua có lẽ phù hợp hơn với câu “End of May and time to play” (Hết tháng 5 và bắt đầu chơi).
Theo BizLIVE