Sức mua bánh trung thu tăng mạnh. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Nếu như năm ngoái có những quầy bánh trung thu đợi đến giữa tháng 7 âm lịch mới bắt đầu bán nhưng khách hàng không nhiều, cả ngày chỉ được vài hộp thì năm nay sức mua lại khởi sắc rõ rệt dù hầu hết các quầy đều mở bán sớm từ đầu tháng.
Chị Lê Kim Thuần, phụ trách quầy hàng của hiệu bánh trung thu Kinh Đô trên khu vực đường 30/4 (quận Ninh Kiều) cho biết, dù quầy bánh của chị mở bán sớm hơn 10 ngày nhưng sức tiêu thụ các loại bánh lại cao hơn cùng kỳ năm trước, doanh thu cũng tăng khoảng 15%, trung bình khoảng 4 triệu đồng/ngày. Bên cạnh bánh trung thu, các loại bánh pía và bánh in cũng bán rất chạy.
Theo đánh giá của các điểm kinh doanh, lúc trước nhiều khách hàng thường đợi đến lúc vào mùa hoặc sau trung thu mới mua bánh để được giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mức thu nhập và nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp” của người tiêu dùng tăng cao, việc tặng bánh trung thu trở thành cơ hội kết nối tình cảm, kết nối quan hệ công việc nên khách hàng thường mua sớm từ đầu mùa để biếu tặng đúng dịp, thậm chí không ngại bỏ số tiền lớn để mua những loại bánh cao cấp, có thương hiệu lâu năm.
Bên cạnh đó, các loại bánh đều có hạn sử dụng đến 2 tháng và nhập hàng nhiều đợt nên khách hàng có thể yên tâm chọn mua. Các gian hàng dự đoán sức mua sẽ tiếp tục tăng dần cho đến đúng ngày Trung thu thì lượng hàng bán được có thể cao hơn năm ngoái đến 30%.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá các loại bánh trung thu năm nay chỉ cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng – 2.000 đồng/cái, dao động từ 65.000 – 135.000 đồng/cái (loại 1-2 trứng). Bánh pía giá ổn định từ 35.000 – 60.000 đồng/bịch, bánh in 30.000 – 35.000 đồng/bịch. Ngoài ra, còn có các dòng bánh chay, bánh dành cho thiếu nhi cũng được bày bán với giá dao động từ 40.000 đồng – 60.000 đồng/sản phẩm.
Mẫu mã, nguyên liệu sản phẩm làm bánh cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh sản phẩm bánh nướng nhân truyền thống như: gà quay, thập cẩm, đậu xanh, hạt sen... hầu hết các thương hiệu còn giới thiệu nhiều hương vị mới lạ như: trà xanh, rau câu, sầu riêng… nhằm nắm bắt khẩu vị của những khách hàng trẻ tuổi.
Chiếm thị phần lớn trên thị trường là hai thương hiệu Kinh Đô và Như Lan, với giá bánh hầu như không thay đổi so với năm ngoái, chỉ một số ít sản phẩm điều chỉnh tăng khoảng 2-5%. Đặc biệt, năm nay hai thương hiệu này giới thiệu dòng sản phẩm “bánh Trung thu may mắn” với những tên gọi mang ý nghĩa cầu chúc tốt đẹp như: “Phú quý”, “Mãn đường”, “Phúc lộc thọ toàn”… được rất nhiều khách hàng lựa chọn.
Các dòng bánh thượng hạng cũng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Dù được bán với mức giá rất cao, trung bình từ 600.000 đồng – 4 triệu động/hộp với các loại nhân cao cấp như: yến sào, vi cá, hải sâm, trứng cá tầm, đông trùng hạ thảo… và chỉ được bày bán tại những nhà hàng, khách sạn sang trọng nhưng dòng bánh này vẫn thu hút số lượng lớn khách hàng sẵn lòng chi hầu bao, thậm chí đặt cọc trước vài tháng để được sở hữu.
Đặc biệt, bên cạnh dòng bánh sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, năm nay nhiều người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các loại bánh làm thủ công vì dòng này thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên 100%, ít ngọt và không chất bảo quản, giúp đảm bảo sức khoẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ thương hiệu sản phẩm bánh nhà làm Ka&Bun cho biết, bánh làm thủ công tại nhà có hạn sử dụng rất ngắn (dưới 1 tuần) nên gần đến ngày Trung thu thì cửa hàng mới bắt đầu nhận làm. Tuy vậy, năm nay đã có nhiều người muốn đặt hàng sớm hơn nên từ đầu tháng 7 âm lịch chị Ngân đã bắt tay vào chuẩn bị.
Theo chị Ngân, để có chiếc bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh, nguyên liệu phải chọn lựa kỹ lưỡng, tự tay làm, một số khâu như nấu nước đường phải chuẩn bị từ vài tháng trước; hương vị làm ra do đó cũng khác hẳn loại bánh công nghiệp.
Năm nay tại Cần Thơ cũng chứng kiến sự nở rộ của nhiều cửa hàng đặt bánh Trung thu trực tuyến với giá bán niêm yết theo từng gói hàng để khách dễ lựa chọn. Nếu đơn hàng là quà tặng còn có thêm dịch vụ gói quà và tặng thiệp thiết kế riêng. Các dịch vụ này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, không cần phải ra các điểm bán mà vẫn chọn được bánh trung thu đến từ các thương hiệu uy tín để gửi tặng cho người thân và đối tác ở xa.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm – Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, tuy sự hồi phục của thị trường bánh trung thu Cần Thơ năm nay là tín hiệu vui cho nền kinh tế thành phố, nhưng đây cũng là dịp để các dòng sản phẩm “nhái”, kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Vì vậy, khi mua bánh, người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu uy tín, chú ý hạn dùng, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua. Đối với các loại bánh thủ công nên chọn mua chỗ quen biết hoặc nắm rõ xuất xứ./.
Hồng Giang/TTXVN