Ngân hàng đang cạn \'room\' tín dụng
Khác với cùng kỳ năm trước, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, không một nhà băng nào tăng trưởng tín dụng âm. Dư nợ tín dụng của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng ở mức trên dưới 10%.
Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 20/7 đã đạt 9,27% so với cuối năm 2021 và tăng 16,61% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng kể trên đã cao hơn nhiều so với mức 6,47% trong gần 7 tháng đầu năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng cạn \'room\' mà NHNN tạm cấp hồi đầu năm. Do đó, một số ngân hàng như MBBank, BIDV, Vietcombank,… đã đồng loạt xin NHNN nới “room” tín dụng để có dư địa cho vay nửa cuối năm. Tuy nhiên, đến nay phía NHNN vẫn chưa có động thái lỏng tay với chỉ tiêu điều hành này.
Điển hình tại ‘quán quân’ lợi nhuận Vietcombank, tính đến cuối quý 2/2022, dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, nếu tính thêm cả dư nợ đầu tư trái phiếu, mức tăng trưởng cho vay của ngân hàng Vietcombank ước tính đạt khoảng 14,4%, vượt xa so với hạn mức 10% được NHNN tạm cấp hồi đầu năm.
Chuyên gia BVSC cho biết, ngân hàng Vietcombank là một trong hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm 2022, ước tính hạn mức tín dụng cả năm có thể được nới lên 18-19% nhờ tham gia quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém.
Cùng cảnh ngộ, BIDV năm nay được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 10%. Tuy nhiên, với dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, riêng số dư cho vay này của ngân hàng đã tăng 9% so với đầu năm. Thậm chí, nếu tính cả số dư nợ tín dụng cấp thông qua đầu tư trái phiếu, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của BIDV đã vượt mức 11%.
Tương tự tại ngân hàng Techcombank, hồi đầu năm 2022 được NHNN cấp hạn mức tín dụng tới 15%. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm tín dụng đã tăng trưởng hết 14%. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo năm 2022 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 17,4%, khác với mức 22,6% trong báo cáo trước đó. Chuyên gia cho rằng nguyên nhân đến từ việc ngân hàng sẽ cắt giảm hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để tập trung cho vay, đồng thời phản ánh lo ngại room tín dụng mới sẽ không quá cao.
Với ngân hàng MBBank, tăng trưởng riêng cho vay khách hàng đến cuối tháng 6 của ngân hàng mẹ đã là 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được NHNN cấp.
Thậm chí tại ACB, tăng trưởng cho vay khách hàng 6 tháng qua tăng trưởng trên 9,8%, trong khi mức tăng tổng dư nợ tín dụng được cấp trong cả năm chỉ là 10%.
Tại ngân hàng Agribank và Sacombank cùng được cấp 7% hạn mức tín dụng, song nửa đầu năm 2022 chỉ tính riêng dư nợ cho vay khách hàng đã dùng hết lần lượt 5,87% và 7% tín dụng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng đã chỉ ra mức tăng trưởng hai chữ số ở chỉ tiêu cho vay khách hàng, cao hơn nhiều so với mức tăng chung toàn ngành (hơn 9% sau nửa đầu năm 2022).
Chẳng hạn, số dư cho vay khách hàng tại SeABank tăng 15%; tại HDBank có số dư cho vay khách hàng riêng ngân hàng mẹ tăng mạnh nhất giai đoạn này với gần 17%; tại ngân hàng VPBank cho vay khách hàng hơn 12%; số dư cho vay khách hàng tại ngân hàng ABBank trong 6 tháng qua tăng 12,6%;...
Phía lãnh đạo ngân hàng Agribank cho biết đã dùng gần hết room tín dụng 7% được cấp từ đầu năm và vẫn đang chờ thông tin mới từ phía Ngân hàng Nhà nước. Nhà băng vẫn đảm bảo giải ngân theo kế hoạch với những khách vay hiện hữu nhưng với nhóm khách mới, ngân hàng sẽ phải chọn lọc.
Lý do gì Ngân hàng Nhà nước chưa chịu nới ‘room’ tín dụng
Trong bối cảnh việc gần hết \'room\' tín dụng đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay, quan điểm của NHNN đưa ra gần đây vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Tính đến đầu tháng 8/2022, cơ quan quản lý vẫn chưa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhà băng nào.
Hàng năm, NHNN thường cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng vào đầu năm và sẽ có những đợt đánh giá lại vào giữa hoặc cuối năm. Trong những đợt đánh giá, tùy vào hiện trạng và sức khỏe của mỗi nhà băng, hạn mức có thể tăng thêm. Thông lệ là vậy nên nhiều nhà băng trong kế hoạch đầu năm cũng tự tin sẽ được cấp thêm hạn mức. Tuy nhiên, trước nỗi lo lạm phát ngày càng tăng, quan điểm cứng rắn về tăng trưởng tín dụng của cơ quan điều hành khiến nhiều ngân hàng bị "hẫng".
Theo NHNN, nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ việc tín dụng đã tăng quá nhanh trong nửa đầu năm nay. Đến 30/6/2022, dư nợ tín dụng thông qua kênh cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 9,35% so với cuối năm ngoái, mức tăng nửa đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết